Luật tục trong Hương ước làng bản của người Cao Lan Vĩnh Phúc

Từ xa xưa, thời Pháp thuộc, theo tài liệu của ông Boni Faci (thiếu tá người Pháp) được cắt cử cai trị vùng huyện Yên Bình, Sơn Dương, Lập Thạch… thuộc tỉnh Hưng Hoá trong những năm 1890 – 1910 có ghi lại một số quy định về hương ước của tộc người Cao Lan xưa (mục xã hội và bộ lạc). Trong huyện Lập Thạch, người Cao Lan họp thành những làng giống như người Ai Nam (người kinh), nhưng giống người Thổ ở chỗ Lý trưởng là người đứng đầu, Thông phái là người đại quyền của  hội đồng Kỳ mục không có nội tịch (Inserit) cũng như người ngoại tịch (non – inserit) và thuế thì đóng theo từng gia đình. Chủ làng gọi là “Quản Mán”… cùng một vài người khác là “Khán Đồng” (về nguyên tắc Quản Mán là trên Khán Đồng, giống như Chánh tổng có các Lý trưởng ở bên dưới). “Khán Đồng” là chức dịch “người trông coi đồng” có nghĩa là người trông coi đồng ruộng.

 

Trong quan niệm của người Cao Lan, ruộng đất không phải là của riêng ai mà là của “ông Trời”; cũng theo cứ liệu của ông Boni Faci về dân Pháp của người Cao Lan: “Tài sản – tất cả ruộng đất đều là công điền (còn gọi là ruộng chung) chúng được chia theo nguyên tắc giữa các gia đình. Nhưng số ruộng chung của gia đình đó vài năm phải chia lại một lần cho con cháu (nếu có sự khiếu nại)… Trong mọi trường hợp người làm ruộng không được coi mình là chủ đất mà chỉ có quyền quản lý những tài sản làm ra trên mảnh đất đó…”

– Về hình phạt: Quyền của những người được bầu là Quản mán, Hán đồng, Lý trưởng được xử những tội nhẹ. Khi xử tội nhất thiết phải có những ông già tới dự. Không có luật viết bằng văn bản xong có một số hình phạt như sau:

 + Trộm vặt: Phạt 6 roi (Không biết là roi gì), phạt 50 miếng trầu để tạ lễ các bà già

+ Trộm 1 con lợn: Phạt 10 roi, phạt một con lợn

+ Gặt lúa trộm: Phạt 10 roi, đền bù thiệt hại cho chủ

+ Cãi nhau ẩu đả: Phạt 10 roi, đền bù thiệt hại cho người bị hại

+ Vợ chồng cãi nhau: Giao cho bố mẹ họ đánh 10 roi

+ Dâm ô không cưới xin: Con trai 2 quan tiền, con gái 6 quan tiền.

+ Thông dâm: Cho phép người chồng xẻo tai vợ và bị đuổi đi. Kẻ đồng phạm bị phạt vạ đòn roi và một con lợn. Trường hợp anh ta bị người chồng của vợ bắt quả tang thì chỉ có thể giết chết mà không mắc tội.

+ Chửa hoang: Phạt 20 roi, cắt tóc bêu riếu khắp toàn bản, đuổi lên rừng sinh đẻ.

+ Thủ dâm: Phạt 10 roi, và đầy bêu riếu khắp bản làng.

+ Hiếp dâm: Phạt 20 roi và đầy bêu riếu khắp làng.

Mọi thứ tiền phạt, vật thu được đều chi vào việc ăn vạ của bản tại đình làng. Những trọng tội khác như giết người, cướp của.. đưa lên cấp trên phán xử. Về nghiệm chứng tư pháp là phải nhờ đến thầy cúng phán xử. Vợ chồng mâu thuẫn dẫn đến đánh chửi nhau, cần phải ly dị thì ông mối phán xử. Ông mối đồng ý thì được bỏ nhau, không đồng ý thì vợ chồng không được bỏ nhau.

Qua một số quy định thực tế trên cho chúng ta thấy: Cộng đồng xã hội của tộc người Cao Lan rất bền vững thông qua hệ ý thức tư tưởng tư pháp. Hệ ý thức tư tưởng này đến nay và mãi mãi về sau vẫn còn mang những giá trị bản sắc của văn hoá tộc người, có tác dụng bảo vệ sự an ninh, đoàn kết cộng đồng làng bản. Đây cũng là hương ước xuất hiện do nhu cầu trật tự xã hội trong cộng đồng người Cao Lan xưa ở Vĩnh Phúc.

 

Tác giả: Lâm Quang Hùng

Hội văn học nghệ thuật Tỉnh Vĩnh Phúc

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Văn hoá Cao Lan – Lâm Quý – NXBKHXH – Hà Nội
  2. Văn hoá các DTTS Vĩnh Phúc
  3. Sở VH-TT Vĩnh Phúc -xuất bản năm 2005

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *