Sáng 31/8/2019, Sở VH-TT&DL đã tổ chức hội thảo khoa học “Diễn xướng trống quân Đức Bác tỉnh Vĩnh Phúc – những giá trị văn hóa đặc sắc”. Tới dự có đồng chí Trần Ngọc Oanh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở; Tiến sĩ Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viên nghiên cứu Văn hóa Dân gian Ứng dụng; đại diện Cục Di sản văn hóa – Bộ VH, TT & DL; Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian. Hội thảo còn có sự tham gia của các Phó giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật dân gian.
Câu lạc bộ hát trống quân Đức Bác trong một giờ tập luyện
Hát trống quân là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, một hình thức hát giao duyên từ lâu của người Việt ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Ở Vĩnh Phúc, hát trống quân được coi là đặc sản văn hóa của nhân dân Đức Bác, huyện Sông Lô gắn liền với lễ hội cầu đinh tại đình làng Đức Bác. Đây cũng là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng. Loại hình nghệ thuật truyền thống này không ngừng được tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng và trình diễn. Di sản này đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hội thảo được tổ chức góp phần quan trọng trong việc xác định những căn cứ lịch sử, khoa học , văn hóa xác thực về những giá trị đặc sắc của loại hình văn hóa này.
Cụ Phấn say sưa điệu hát trống quân
Tại hội thảo, những chủ đề tham luận phản ánh khách quan, nêu bật được lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển, các đặc trưng, thực trạng, giá trị của di sản hát Trống quân Đức Bác, khẳng định giá trị khoa học, sức sống lâu bền của diễn xướng trống quân Đức Bác. Những đề xuất mang tính gợi mở trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể diễn xướng trống quân Đức Bác cũng được các tham luận tập trung làm rõ. Đặc biệt làn điệu hát Trống Quân Đức Bác được các đại biểu nêu bật trong các ý kiến tham luận về tính đặc trưng trong âm nhạc, thi pháp ca từ, nghệ thuật múa và trò diễn, tín ngưỡng phồn thực của di sản hát trống quân Đức Bác; nghiên cứu các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, xã hội của di sản hát Trống quân Đức Bác và đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản của làn điệu hát Trống quân Đức Bác trong cuộc sống đương đại.
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Trần Ngọc Oanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bày tỏ mong muốn các nhà nghiên cứu, khoa học tiếp tục đồng hành cùng Vĩnh Phúc trong công tác nghiên cứu toàn diện, từng bước khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể hát trống quân Đức Bác. Những ý kiến định hướng về giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh nói chung và hát trống quân Đức Bác nói riêng sẽ góp phần quan trọng gìn giữ phát huy di sản Vĩnh Phúc trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị UBND tỉnh có cơ chế, chính sách cụ thể trong việc tôn vinh nghệ nhân, khuyến khích cộng đồng tích cực giữ gìn, truyền dạy và phát huy giá trị của di sản nhằm bảo tồn, phát huy giá trị hát trống quân Đức Bác, góp phần gìn giữ và phát triển những di sản văn hóa đặc sắc trên quê hương Vĩnh Phúc.