Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Sán Dìu nhằm khai thác phát triển du lịch

Vĩnh Phúc là tỉnh đồng bằng trung du bắc bộ, nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số: người Cao Lan, dân tộc Dao, dân tộc Nùng… đông đảo nhất là người dân tộc Sán Dìu. Dân tộc Sán Dìu ở Vĩnh Phúc có khoảng trên 34.000 người, địa bàn cư trú tập trung ở sườn phía Tây Nam dãy Tam Đảo, thuộc các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Tam Dương, Bình Xuyên và thị xã Phúc Yên. Dân tộc Sán Dìu có nguồn gốc từ Trung Quốc, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một bộ phận người Sán Dìu ở khu vực Quảng Đông đã vượt biên giới Việt – Trung để vào Việt Nam sinh sống, đến nay đã được 9 – 10 thế hệ (khoảng 250 – 300 năm). Từ khi có mặt ở Vĩnh Phúc, người Sán Dìu đã ra sức lao động sản xuất, xây dựng quê hương mới, đồng thời sáng taọ nên một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc riêng biệt phản ánh cuộc sống lao động tự chủ của cư dân Sán Dìu. Đến nay nền văn hóa đặc sắc đó về cơ bản vẫn được gìn giữ, trở thành một phần không thể thiếu tạo nên nền văn hóa đặc sắc của quê hương Vĩnh Phúc và là một tài nguyên du lịch văn hóa tiềm năng.

Nhà ở:

Đồng bào Sán Dìu ở nhà trệt đất. Hiện nay, ở một số bản thuộc Lập Thạch, Tam Đảo vẫn còn lưu giữ một số ngôi nhà cổ hoặc nhà xây theo kiểu cổ: Nhà có ba hoặc năm gian chính, gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên và thờ Thánh sư. Hai gian hai bên là nơi để giường nằm của ông chủ và con trai, hai gian trái được làm nhô ra là hai buồng của bà chủ và con gái hoặc con dâu. Hai đầu sân phơi còn có hai ngôi nhà hợp cùng nhà chính tạo thành hình chữ “U”. Một là nhà bếp cộng với giếng nước ở phía đầu hồi, một là nhà kho để lương thực và các thứ đồ lặt vặt; kế đó là chuồng trâu, chuồng bò, lợn gà. Nhà ở bố trí theo kiểu này rất hợp vệ sinh.

Tiếng nói, chữ viết:

Người Sán Dìu hiện nay vẫn gìn giữ ngôn ngữ riêng của họ với tỉ lệ khá cao 80-90%. Tiếng nói dân tộc Sán Dìu thuộc hệ Hán – Tạng. Ở nước ta, nhóm tiếng nói này có các dân tộc: Hoa, Ngái Sán Dìu. Hệ thống tiếng nói Sán Dìu đủ khả năng biểu đạt thông tin giao tiếp, đủ khả năng cung cấp vốn từ trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian, hát ví soong cô cũng như trong cúng lễ.

Tâm linh, tín ngưỡng:

Đời sống văn hóa tâm linh truyền thống của đồng bào đến nay vẫn còn được lưu giữ khá đậm nét: ở thôn bản nào cũng có thầy cúng, hoặc nhóm thầy cúng biết chữ Hán – Nôm Sán Dìu, đọc được sách cúng, viết được tấu sớ cho vong linh người chết, tấu sớ lên tổ tiên, thần linh. Khi có người chết, họ được mời đến để hành đạo đưa tiễn vong hồn về với tổ tiên, theo đúng phong tục tập quán tang ma của người Sán Dìu từ xưa truyền lại. Người Sán Dìu cũng tôn thờ (có chọn lọc) Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo, với quan niệm Lão giáo và Nho giáo để dăn dạy người còn sống, còn cõi Phật là nơi siêu thoát, đưa tiễn vong hồn người đã mất lên cõi Niết bàn hưởng lạc. Mỗi bản người Sán Dìu còn có miếu nhỏ thờ các vị thần thành hoàng, thổ địa, thần sông, thần núi.

Sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Sán Dìu

Ẩm thực :

Người Sán Dìu ăn cả cơm và cháo. Thức ăn uống thông thường là nước cháo loãng. Họ có nhiều loại cháo: cháo ngô, khoai và đặc biệt có món chúc líp (cháo trộn với một số loại rau có thể dùng làm thuốc chữa bệnh như cháo lá lốt, rau cải; cháo lá ngải). Việc chế biến các món ăn của họ cũng khá cầu kỳ, dùng nhiều gia vị như gừng, tỏi, địa liền. Đặc biệt, các món ăn khi dùng dù mùa lạnh hay mùa nóng cũng đều phải giữ ở nhiệt độ nóng (vừa ăn vừa thổi). Ngoài nước cháo loãng, người Sán Dìu còn thường dùng nước chè xanh. Trong bữa tiệc đồ uống chủ yếu là rượu trắng do họ tự nấu thông qua công nghệ làm men bằng thứ lá cây rừng với gạo hoặc rượu mía, rượu sắn; ngày Tết, có thêm rượu cái .Người Sán Dìu còn làm các loại bánh:Bánh chưng gói hình ống, hai đầu có bắt góc (mỗi đầu bắt thành 3 góc); bánh chưng gù. Bánh tro gói hình như bánh chưng nhưng nhỏ hơn, nguyên liệu làm bằng gạo nếp ngâm nước tro đốt từ một loại cây ở rừng gọi là cây nham nháp và rơm lúa chiêm xuân còn mới với nước vôi trong. Bánh nhân điền làm bằng bột gạo nếp có nhân bằng lạc rang giã trộn với đường phên hoặc nhân đỗ xanh. Ngoài ra còn có loại bánh dày.Các loại bánh trên được dùng các dịp lễ, tết, hội, cưới hỏi.

Gói bánh chưng gù 

Văn nghệ dân gian:

 Nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của người Sán Dìu đó là làn điệu hát ví Soọng cô, đây là làn điệu dân ca đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu, được lưu giữ hàng trăm năm trong kho tàng văn hoá, văn nghệ dân gian ở Vĩnh Phúc. Hát Soọng Cô chủ yếu là phần đối đáp giao duyên, sau đó là phần hát trong đám cưới. Soọng Cô được hát theo sách, có bài bản sẵn. Người đi hát phải thuộc sách hát, họ dẫn câu hát trong sách ra để hát đố, người đáp cũng trích ra những câu hợp cảnh hợp tình để hát đáp câu hỏi. Họ hát những câu hát nói về tình yêu lứa đôi, thiên nhiên, ca ngợi tình nghĩa thuỷ chung vợ chồng, ca ngợi công lao ông bà, cha mẹ, răn dạy con người sống có đức, có nhân, có hiếu… khi cất lên nghe thật dặt dìu, réo rắt, lúc ngân cao, lúc trầm ấm làm say đắm lòng người. Mỗi dịp xuân về, thời điểm nông nhàn, lễ hội hay các đám cưới, hỏi thanh niên nam, nữ người dân tộc Sán Dìu thường dủ nhau đi hát Soọng Cô. Qua mỗi làng họ dừng lại hát một đêm, hôm sau cùng rủ thanh niên nơi đó nhập vào đám hát đến các làng khác. Có khi đám hát có tới vài chục người, kéo dài cả chục ngày rất sôi nổi. Mỗi đêm hát đều có các bước: Chập tối hát gọi, mời ngồi xuống chiếu, mời nước, mời trầu. Nửa đêm là hát hỏi: hỏi về quê quán, gia sự, hát thăm dò tìm hiểu nghề nghiệp, ý nguyện của nhau…Canh ba chủ nhà mời ăn lót dạ xôi hoặc chè… Sau đó là hát chào, hát xin về, hát níu giữ nhau. Sáng ra thì họ vừa tiễn nhau ra cổng vừa hát hẹn hò cuộc hát tới. Từ những đêm hát này mà có biết bao đôi trai gái đã bén duyên nhau. Soọng cô trong đám cưới thường do các cặp nam giới đối đáp nhau, nhà trai cử hai anh hát, nhà gái cũng cử hai anh. Hát suốt ngày suốt đêm cho đến khi tan tiệc cưới.

 

Trong những năm gần đây, ngành du lịch Vĩnh Phúc đã dần khẳng định vị trí trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Du lịch càng phát triển, nhu cầu được tìm hiểu, khám phá của du khách ngày càng cao thì sự thu hút của các yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc, kỳ vọng của du khách muốn đi tới tận cùng những giá trị chân thực, sự nguyên vẹn và nguyên gốc. Du lịch tới các vùng dân tộc thiểu số đang được thế giới quan tâm bởi ở đó du khách sẽ được quan sát, tìm hiểu, hòa mình vào những tập tục, những lối sống cũng như những giá trị văn hoá đặc sắc, riêng có, hiếm lạ. Ở Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng lại có những lợi thế trong phát triển du lịch đến với các vùng dân tộc ít người. Lợi thế đó được thể hiện ở những nét sơ khai của văn hoá các dân tộc, trong lối sống, tập tục, trong thói quen canh tác hay trong kiến trúc, trang phục, trong sinh hoạt văn hoá nghệ thuật và nghề thủ công truyền thống đến nay vẫn còn được lưu giữ. Đặc biệt những nét văn hoá đó lại được hoà quện với không gian sinh thái tự nhiên tuyệt đẹp, trong lành có sức cuốn hút du khách. Bảo tồn, phát huy những yếu tố mang tính bản sắc, đặc trưng của văn hoá dân tộc góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đa dạng hóa nền văn hóa nước nhà, đồng thời hình thành phát triển nên một số loại hình du lịch độc đáo, đặc sắc, riêng biệt như: du lịch tới các vùng dân tộc thiểu số, du lịch sinh thái kết hợp du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc,… vừa hấp dẫn du khách vừa đẩy mạnh kinh tế du lịch vừa tạo thêm thu nhập cho đồng bào.

Giao lưu các câu lạc bộ dân ca soọng cô 

Trước sự giao thoa văn hoá trong đời sống hiện đại, các nét văn hoá truyền thống của dân tộc Sán Dìu ít nhiều đã bị mai một. Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo điều kiện phát triển du lịch, trong những năm qua huyện Tam Đảo đã chú trọng khôi phục, phát huy các hình thức sinh hoạt văn hóa lễ hội, ẩm thực, trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số. Để lưu giữ, khôi phục điệu hát truyền thống của người Sán Dìu, xã Đạo Trù huyện Tam Đảo đã có nhiều cách làm thiết thực: Trong phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, xã khuyến khích bà con người Sán Dìu gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình, vận động các gia đình dạy cho con em học tiếng dân tộc mình, làm cơ sở để từng bước khôi phục lại làn điệu hát soọng cô. Hằng tuần, cứ vào thứ bảy, chủ nhật hoặc các ngày lễ, Tết, các cụ già và nhiều bạn trẻ người Sán Dìu lại đến tập trung ở nhà văn hoá thôn để học và tập luyện các làn điệu soọng cô. Người già truyền cho người trẻ, người biết nhiều truyền cho người biết ít. Thế rồi, những ngày thôn, xã có việc, những ngày lễ hội, xuân về, Tết đến, bà con nơi đây lại hát lên những câu soọng cô thiết tha để giao lưu, thể hiện tâm tư tình cảm và nhắn nhủ, khuyên răn con cháu nhớ đến công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, tổ tiên. Tiếng hát soọng cô nay đã dần ăn sâu vào tâm trí của bà con và được thế hệ trẻ yêu thích.Mỗi năm một lần, huyện tổ chức cho các câu lạc bộ đi giao lưu hát soọng cô với 3 tỉnh: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang.    Ngoài việc khôi phục các làn điệu hát soọng cô, những nét đẹp của văn hóa ẩm thực trong sinh hoạt lễ tết truyền thống, nhất là trong tập quán ăn uống của người Sán Dìu cũng được bà con lưu giữ và phát huy, vừa là món ẩm thực cho cuộc sống hàng ngày, vừa là nét đặc sắc riêng của địa phương để giới thiệu với du khách thập phương. Đó là các món ăn: Xôi, cháo, bánh chưng gù, thịt lợn muối, thịt lợn ướp thính, xôi chứng kiến… 

Nét đẹp văn hóa của người Sán Dìu là thế, tiềm năng là thế nhưng thực tế hiện nay chưa được “biến” thành những dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch phục vụ cho nhu cầu khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm du lịch, tạo thêm công ăn việc làm thu nhập cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Như một quy luật hai chiều, nên chăng hãy bảo tồn và phát triển văn hóa nơi đây, thu hút các dự án đầu phát triển các loại hình hình vụ du lịch…nhằm thu hút du khách. Tiếp đó một phần doanh thu từ du lịch sẽ quay trở lại đầu tư để bảo tồn và phát triển tài nguyên văn hóa của dân tộc Sán Dìu,

 Để các giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Sán Dìu ở Vĩnh Phúc được lưu giữ, phát triển một cách bền vững, thúc đẩy sự phát triển văn hóa du lịch, cần sự vào cuộc một cách nghiêm túc và thường xuyên của các cơ quan chức năng, của chính quyền địa phương, nhân dân và doanh nghiệp

– Đảng ủy và chính quyền địa phương đặc biệt là huyện Tam Đảo cần chú trọng bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc Sán Dìu, đi sâu tìm hiểu, phân tích những thuần phong mĩ tục để tạo điều kiện khuyến khích đồng bào phát huy có hiệu quả trong quá trình xây dựng cuộc sống mới; đầu tư, xây dựng nhà văn hóa kiểu mẫu cho người dân tộc thiểu số, coi đó là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng để truyền dạy các nét đẹp văn hóa.

– Mỗi người dân Sán Dìu nói riêng và cộng đồng người Sán Dìu nói chung cần nâng cao ý thức gìn giữ nền văn hóa của mình, trước hết là qua sinh hoạt hàng ngày mọi người hãy nói tiếng tiếng nói của dân tộc mình, để con cháu noi theo; khuyến khích hình thức bảo tồn “văn hóa sống” trong cộng đồng dân cư, tăng cường các hình thức  giáo dục văn hóa truyền thống cho thế  hệ trẻ…

– Nghành văn hóa du lịch cần đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa xã là người dân tộc Sán Dìu, để họ trở về địa phương quản lý, tổ chức bảo tồn  và phát huy vốn văn hóa truyền thống của người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc.

– Bằng nhiều hình thức khác nhau, nhà nước cần có các chính sách đầu tư và kêu gọi các doanh nghiệp phát triển nét văn hóa truyền thống đặc sắc vốn có của người dân tộc Sán Dìu, khai thác cho du lịch: các công ty lữ hành có thể kết hợp các loại hình du lịch khác tạo nên những tuor du lịch mới như du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu văn hóa dân tộc tạo sự hấp dẫn cho du khách; thông qua nhà dân xây dựng loại hình du lịch homestay để du khách có dịp sinh sống cùng người bản địa, trải nghiệm nét đặc sắc trong sinh hoạt văn hóa của họ, thưởng thức ẩm thực truyển thống Sán Dìu…

Ánh Nguyệt

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *