Chùa Hà Tiên – nơi lưu giữ dấu chân Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc

Sinh thời, dù bận nhiều công việc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ song Bác Hồ luôn dành cho nhân dân cả nước nói chung, Đảng bộ nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng những tình cảm gần gũi yêu thương và sự quan tâm sâu sắc. Đó chính là tấm lòng bao dung, độ lượng, thiết tha của Người cha già dân tộc – Người sáng lập, xây dựng và rèn luyện Đảng ta khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có nền độc lập tự do mà bản chất chính là “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiều quyền hạn đều do dân, quyền hành lực lượng đều ở nơi dân”.Theo thống kê của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc từ năm 1945 đến năm 1963 tỉnh Vĩnh Phúc đã vinh dự được 8 lần đón Bác về thăm, động viên và chỉ đạo công việc, trong lần đến thăm thứ 6, Bác đã ghé thăm và nghỉ trưa tại Chùa Hà Tiên.
Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc
Chùa Hà Tiên (chùa Hà), ở xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc hướng từ thành phố Vĩnh Yên lên khu Du lịch Quốc gia Tam Đảo. Đây là ngôi chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Chùa đã được công nhận và xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 1995.
Chùa Hà Tiên là nơi thờ phật và thờ quốc mẫu Tây Thiên, được xếp vào hàng đại danh lam trong các ngôi chùa ở thành phố Vĩnh Yên. Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, các chuyên gia khảo cổ đều có nhận định: Chùa Hà Tiên được xây dựng thời Lý Trần cùng với các đại danh lam: Ngũ Phúc Tự, chùa Bầu ở thành phố Vĩnh Yên. Trải qua thời gian, cùng với sự tàn phá của chiến tranh, kiến trúc cũ không còn, hiện nay trong khuôn viên chùa còn lưu giữ 8 cây bảo tháp, cây si cổ thụ, cây hương đá được xây vào năm 1703 và bia đá lập năm 1792 là những vật chứng lịch sử về nơi hoằng hóa phật pháp.
Chùa Hà Tiên
 Đặc biệt Chùa Hà Tiên còn là nơi ghi dấu sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn của dân tộc và thế giới về thăm và nghỉ chân tại nơi đây. Ngày 25/1/1961, Hồ Chủ tịch về thăm HTX nông nghiệp Lạc Trung, xã Bình Dương, Bác về Tỉnh ủy Vĩnh Phúc làm việc, sau đó đến trưa Người lên chùa Hà Tiên vãn cảnh, nghỉ ngơi và ăn cơm trưa ở đó. Theo đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác, cùng đi với Bác lần này kể lại:“… Sau khi thăm Lạc Trung xong, Bác về thị xã Vĩnh Yên thăm và làm việc với Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Đến trưa, công việc cũng đã xong, các anh Kim Ngọc – Bí thư Tỉnh ủy, Hồ Ngọc Thu – Chủ tịch UBHC tỉnh mời Bác và các đồng chí cùng đi dùng bữa cơm trưa với các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Bác mỉm cười, cảm ơn và nói: Bác có việc nên không ở lại được. Rời trụ sở Tỉnh ủy, theo đường quốc lộ 2, xuôi về Hà Nội. Nhưng đi được chừng vài trăm mét, thì xe Bác không đi thẳng mà rẽ trái theo đường 2B đi Tam Đảo. Bác đi thăm chùa Hà, từ ngã ba rẽ vào tới chùa Hà chừng 2 cây số. Sở dĩ Bác chọn chùa Hà để nghỉ ăn cơm trưa vì chùa Hà kín đáo, cảnh đẹp, yên tĩnh, lại không cách xa đường. Tôi nhớ một lần trước đó, nhân đi thăm Tam Đảo về, mấy Bác cháu cũng đã vào thăm đây một lần. Vào chùa, chúng tôi dọn cơm đã chuẩn bị sẵn mang đi, vì Bác không muốn phiền hà địa phương. Mấy Bác cháu ngồi quây quần ngay ngoài hiên chùa ăn trưa. Ăn xong, Bác cháu xuống tận giếng chùa dưới chân đồi để múc nước rửa. Bác muốn xuống tận nơi thăm và nghe nói giếng này nông nhưng mạch nước rất trong, không bao giờ cạn, kể cả khi đại hạn. Trở lên vườn chùa nghỉ, Bác nói là cảnh chùa đẹp, lại tiện đường cái, cần nói với chính quyền và nhà chùa nên trồng thêm cây, dưới chân đồi và cả ven đường thì trồng cây lấy gỗ và bóng mát; đất gần chùa thì trồng cây ăn quả cho tiện chăm sóc và giữ gìn…” Tưởng nhớ công ơn Bác đối với dân tộc và nhân dân trong tỉnh, địa phương đã dựng nhà lưu niệm Bác trong khuôn viên nhà chùa. Bên cạnh đó giếng Ngọc cũng là một trong những hạng mục công trình được quan tâm bảo tồn cùng với công trình tưởng niệm Bác Hồ. Với những giá trị văn hóa lịch sử đó, năm 1995 chùa Hà Tiên đã được UBND Tỉnh Vĩnh Phú, nay là UBND Tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
 Toàn cảnh chùa Hà Tiên
Để tiếp tục phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, Năm 2006 chùa Hà Tiên đã được UBND Tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể với tổng diện tích gần 60.000m2, gồm 32 hạng mục công trình. Ngôi chùa được xây dựng mang sắc thái văn hóa truyền thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam và sự tiếp biến các yếu tố văn hóa khu vực để tạo nên sự hòa quyện mang nét đặc trưng của chùa Hà Tiên; đồng thời đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh phật tử xa, gần.
Với bề dày lịch sử và tầm vóc của một di tích lịch sử văn hoá lớn, chùa Hà Tiên là một trung tâm du lịch tâm linh, sinh thái mới của Vĩnh Phúc; là điểm đừng chân đầu tiên của du khách trong hành trình: Vĩnh Yên, Tây Thiên, Tam Đảo.
KD – TTDL

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *