Đình Ngọc Canh

Cách đình Hương Canh chừng 200m, được khởi dựng thời Hậu Lê (thế kỷ XVII), đình Ngọc Canh có kiểu thức kiến trúc tương tự đình Hương Canh, rất đồ sộ, cột lớn kết cấu vững chãi. Hiện đình còn nguyên 3 toà kiến trúc bố cục như hình chữ “vương”, tiền tế 5 gian dài 20m, rộng 7,10m; đại đình 5 gian 2 dĩ dài 24m, rộng 15,50m; hậu cung 5 gian dài 10m, rộng 7,30m.


Mái đình Ngọc Canh

Về nghệ thuật chạm khắc, đình Ngọc Canh cũng có những bức chạm giống đình Hương Canh như: “đấu vật”, “bơi chải”, “đi săn về” hay những hình rồng phượng, con giống… Tuy nhiên nội dung và nghệ thuật chạm trổ ở đây có những điểm khác với đình Hương Canh. Nếu như ở đình Hương Canh tả nhiều về ngày hội làng, những trò chơi đông người tạo nên không khí vui nhộn thì ở đình Ngọc Canh lại thiên về tả cảnh lao động, những thú vui hàng ngày trong nông thôn. Nếu chạm trổ ở đình Hương Canh đẹp trong không khí nhộn nhịp vui tươi thì chạm trổ ở đình Ngọc Canh đẹp trong không gian trầm lắng, suy tư liên tưởng trước thực tế cuộc sống của nhân dân ta nửa cuối thế kỷ 17, như các bức chạm: “dựng cột buồm”, “uống rượu”, “chơi cờ”, “đến hát nhà quan”. Với lối bố cục chặt chẽ, hài hoà, đường nét phóng khoáng tự do, chú ý khắc hoạ từng chi tiết thể hiện rõ tình cảm, cá tính của từng nhân vật trong bức chạm để rồi có một tác phẩm hoàn hảo, mang nội dung tư tưởng sâu sắc, thể hiện cao độ đề tài định trước. Đó là những thành công nổi bật trong chạm gỗ ở đình Ngọc Canh.


“Tứ linh” – Chạm gỗ thế kỷ XIX


Chạm gỗ “Hội làng”

Đình Ngọc Canh, cũng như Hương Canh, Tiên Canh, mỗi đình thuộc một làng, cùng thờ chung 6 vị thành hoàng: Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập – con trai cả của Ngô Quyền, Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn – con thứ của Ngô Quyền, Linh Quang Thái Hậu Dương Thị Như Ngọc – vợ Ngô Quyền, A Lữ nương nương Dương Phương Lan – vợ thứ Ngô Quyền, Thị Tùng phu nhân Phạm Thị Uy Duyên – vợ Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, Đông Ngạc đại thần Đỗ Cảnh Thạc – tướng và là cháu ngoại Ngô Quyền.
Đình Ngọc Canh và các di tích thuộc thị trấn Hương Canh đã và đang được Nhà nước quan tâm lập dự án trùng tu tôn tạo nhằm bảo quản, gìn giữ kiến trúc cổ truyền và các tác phẩm điêu khắc dân gian cũng như việc khôi phục những sinh hoạt hội hè, phát huy giá trị vật thể và phi vật thể của di tích trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước hiện nay.

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *