Đình Bạch Trữ

Là một trong những ngôi đình lớn và cổ của Vĩnh Phúc, đình Bạch Trữ được biết đến với sự độc đáo về kiến trúc, chứa đựng những tác phẩm điêu khắc gỗ dân gian hết sức đặc sắc, nối tiếp dòng nghệ thuật chảy từ vùng Hùng Lô, Lâu Thượng qua Thổ Tang đến, như một biểu hiện cho đỉnh cao về kiến trúc của đình làng cổ truyền Việt Nam thời Lê Trung hưng.


Tiền tế


Toàn cảnh đình

Đình thuộc thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. Hiện tại gồm 3 tòa: Tiền tế, đại đình, hậu cung và 2 ống muống. Về mặt bố cục có thể khẳng định rằng, vỗn dĩ khởi đầu (khoảng cuối thế kỷ XVII) đình chỉ có dạng chữ nhất với toà đại đình ở giữa, về sau người ta mới dựng tiếp toà tiền tế và tiếp sau là hậu cung; cả 3 tòa được nối với nhau bởi 2 ống muống để tạo nên hình thức mái theo kiểu chữ “Vương”, nền chữ “Tam”.

Trước đình có hồ bán nguyệt, sau hồ là bình phong kiểu cuốn thư có hình cành trúc mai sum họp. Phía sau là một sập thờ làm kiểu chân quỳ dạ cá đắp nổi hình dơi tượng cho ngũ phúc lâm môn (Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh) và tiếp nữa là một nghi môn tứ trụ. Qua một khoảng sân hẹp vào tòa tiền tế, người ta có thể cảm thấy choáng ngợp bởi kiến trúc 5 gian 2 dĩ với bộ mái 2 tầng hoành tráng. Đặc biệt ở đây còn lưu giữ được những nét nghệ thuật của thế kỷ XVII. Đó là những cốn bên với rồng, lân, vân xoắn, đao trong một thể hoạt mang ý nghĩa gắn với tầng trời, gắn với ước vọng cầu mưa. ở gian giữa tòa này có các bức cốn mê thể hiện tứ linh trong ước vọng cầu phúc xưa: rồng cuốn thủy, phượng hàm thư, long mã và rùa. Đặc biệt, ở mặt trong bức cốn ngoài bên phải có hình tượng một con cua nhỏ ở bên dưới, đây là một dấu ấn thể hiện sự hòa đồng của chất dân dã giữa mảng chạm mang đầy tính quy phạm.


Văn quan – Hình vẽ trên gỗ phía trước cửa khám (bên tả)

Tòa đại đình 3 gian 2 chái 2 dĩ, nghệ thuật thế kỷ XVII tập trung ở 2 cốn ngoài của gian giữa, các đầu dư chính và một số kẻ. Đề tài chạm khắc cơ bản là rồng. Những đề tài về con người tuy không nhiều nhưng lại rất đáng quan tâm. Chẳng hạn như bức cốn ngoài bên trái gian giữa, ở con rường trên cùng, được đặt trên mình rồng thân rắn không vẩy là hình đôi trai gái tình tự mà nam là một ông già quắc thước râu dài còn nữ là một cô gái nhỏ tuổi – một mối tình thần thánh sẽ đưa đến kết quả nảy sinh thánh nhân theo nhận thức của người xưa. Một hệ thống các hoạt cảnh khác như: trên nền rồng ở ván nong của xà nách có cảnh một phụ nữ ôm con, một tay giơ ra như thể từ chối sự đòi hỏi của người chồng; cạnh đó là cảnh đôi trai gái ngồi ôm ấp nhau rất mạnh bạo; hình tượng vũ công đội mũ tỳ lư mặc áo váy tỉa tót kỹ càng và hình ảnh nam múa quạt, nữ đeo túi ngả theo được chạm ở hai bên đầu kẻ phía ngoài bên phải. ở một đầu kẻ trước của gian bên trái lại có cảnh một ông lão ngồi câu cá với giỏ vịt để bên cạnh – hình tượng này rất gần gũi với nghệ thuật thế kỷ XVIII.

Những hình tượng có tính mạnh bạo hay dân dã trên cho thấy sự gần gũi với sinh hoạt thôn dã đương thời. Tuy nhiên những hình tượng đó được đặt ở những nơi dễ quan sát lại mang ý nghĩa ước vọng cầu thần hãy thực hiện theo như thế mà thúc đẩy cho muôn loài sinh sôi, cho mùa màng bội thu. Vì thế ý nghĩa sâu xa ở đây là ước nguyện cầu phồn thực. Bên cạnh sự phong phú về nội dung, các hình chạm đã thể hiện trình độ cao về nghệ thuật chạm khắc với kỹ thuật chạm lộng, chạm bong được quan tâm hết sức rõ rệt.


Trang trí ở cửa võng


“Tự tình” Chạm gỗ thế kỷ XVIII

Tòa hậu là một hậu cung kép với hậu cung chính chỉ nằm gọn trong không gian 4 cột cái gian giữa, được bao ván kín, có sàn thờ, được nâng cao và nằm lọt trong tòa hậu cung 5 gian tường hồi bít đốc. Một điểm đáng lưu ý là trên ban thờ chính, phù trợ hai bên là 8 vị tướng hầu được vẽ dưới hình thức tả văn hữu võ, quan văn đội mũ cánh chuồn chếch ngắn, cầm những hòm sách, bút, quạt; quan võ đội mũ kim khôi và vác đại đao.

Đình Bạch Trữ thờ nhị vị tiên linh là công chúa Mỵ Nương thời vua Hùng và Cống Sơn thời Hai Bà Trưng, thuộc hai thời kỳ dựng nước và giữ nước gắn với lịch sử dân tộc và văn hóa tâm linh của người Việt. Nội dung thờ tự phong phú, kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc tiêu biểu đã khẳng định đây là một trong những ngôi đình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hệ thống di tích của tỉnh Vĩnh Phúc. Đình xưa còn giữ được đến ngày nay là một kiến trúc lớn, là nơi thờ thành hoàng làng, nơi tổ chức lễ hội và các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng khác của dân cư cả một vùng tương đối rộng. Đi sâu tìm hiểu hơn nữa về nghệ thuật, về các giá trị văn hóa vật thể gắn kết với các giá trị văn hóa phi vật thể ở đình Bạch Trữ , chúng ta sẽ có được những tri thức quý báu về lịch sử văn hóa cũng như các phong tục tập quán hay những quan niệm hết sức đặc sắc có thể coi là tinh hoa văn hóa của người xưa, tại vùng đất này

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *