Đền thờ Hai Bà Trưng – Một di tích lớn của cả nước

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40-43 ) là một cuộc “Tổng khởi nghĩa vũ trang giành thắng lợi” đầu tiên của nhân dân ta cách đây gần 20 thế kỷ, đã lật nhào hoàn toàn ách thống trị kéo dài 219 năm của phong kiến phương Bắc trên đất đai Văn Lang – Âu Lạc xưa.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng làm rạng rỡ non sông Việt Nam, dân ta Việt Nam, làm vẻ vang phụ nữ Việt Nam, đem lại vinh dự tự hào cho Mê Linh xã – Vĩnh Phúc ngày nay, vùng đất anh hùng đã sinh ra người nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc và một thời tuy không dài là đất đế đô. Đó là Kinh đô Mê Linh thời Trưng Nữ Vương “

Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục, hai là bá vương”

(Đại Nam quốc sử diễn ca) .

Để tưởng nhớ công đức của Hai Bà, nhân dấn Vĩnh Phúc đã lập đền thờ tại thôn Hạ Lôi , xã Mê linh, Huyện Mê Linh, hàng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ công đức của Hai Bà và các tướng lĩnh vào ngày mùng Sáu tháng Giêng. Đền thờ Hai Bà toạ trên một khu đất cao thoáng đãng. Theo thuyết phong thuỷ: Đền toạ lạc trên thế đất “Trán con voi trắng” trong hình cao “Bạch tượng uyên hồ” (voi trắng uống nước trong hồ), đến tận bây giờ vẫn còn vết tích của những nơi như ao Mắt Voi, vòi voi và hồ Ao bàng; phía trước là đường kéo quân của Hai Bà Trưng xưa kia chạy vòng phía trước Đền. Sau đền là khu vực thành cổ gồm 2 lớp: trong là thành, ngoài là quách, dân gian gọi là Thành Ống.

Đền thờ Hai Bà Trưng hiện nay có các công trình: Tam quan, nhà tiền tế, nhà trung tế và hậu cung. Phía ngoài hậu cung có cây Lụa già, là hộp thư bí mật tại đây những năm 1943- 1944, đồng chí Trường Chinh – Tổng Bí thư Đảng đã lấy đền thờ Hai Bà Trưng làm một trong những nơi hội họp bí mật để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội ngày 19/8/1945.

Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích lịch sử cách mạng đặc biệt quan trọng, được Nhà nước xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1980. Ngày 29/8/2002, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định số 3196/QĐ – UB phê duyệt dự án quy hoạch, tôn tạo tổng thể Đền thờ Hai Bà Trưng. Theo quy hoạch đã được UBND tỉnh Phê duyệt có 5 nhóm dự án đầu tư, tôn tạo, bao gồm:

Dự án tu bổ, tôn tạo không gian Đền thờ chính:

Nội dung của Dự án bao gồm nâng cấp nội thất đền thờ gồm khám thờ Hai Bà, các bệ thờ 6 nữ tướng của Hai Bà, các đồ thờ tự trong đền như: Hoành phi câu đối, án giang, y môn… Cải tạo lại hồ bán nguyệt; lát lại sân đền trước nhà tiền tế; chống xuống cấp hậu cung; Dịch chuyển nhà tả mạc, hữu mạc theo Quy hoạch được duyệt và xây dựng nhà làm việc của Ban quản lý đền.

Dự án xây dựng các công trình văn hoá phụ trợ:

Dự án xây dựng các công trình phụ trợ nằm trong quy hoạch đền thờ Hai Bà như: Đền thờ thân, phụ mẫu Hai Bà; đền thờ ông Thi Sách; đền thờ các tướng lĩnh của Hai Bà; dựng cột đá thề; khôi phục lại ao Mắt Voi (hiện còn dấu tích sau hậu cung); cải tạo lại hồ Mắt Voi; cải tạo lại Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh…

Dự án xây dựng công viên cây xanh:

Bao gồm đường dạo trong phạm vi quy hoạch được duyệt (12,6ha); đường dạo trong khuôn viên đền; trồng cây xanh tạo thâm nghiêm cho di tích; tạo hồ nước, nghiên cứu phát triển du lịch theo hướng: du lịch mang tính tâm linh và sinh thái.

Dự án xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

Bao gồm hệ thống điện và nước (cả cấp nước sạch và thoát nước), đường giao thông nội ngoại tuyến; hệ thống dịch vụ vệ sinh, bãi đỗ xe, các quầy ki ốt bán hàng lưu niệm.

Dự án đền bù và giải phóng mặt bằng:

Để hoàn thành quy hoạch tổng thể đền thờ Hai Bà Trưng, dự án thực hiện đền bù và di dời gần 20 hộ đận ra khỏi khu vực Thành Ống, nhằm khôi phục lại Thành Ống – một trong những công trình phụ trợ quan trọng của di tích.

Để thực hiện được 5 nhóm dự án trên, tổng khái toán vốn đầu tư cho công trình là 86 tỷ đồng: được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2003 – 2005; Giai đoạn 2 từ 2006 – 2010 với những mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1 (2003 – 2005): Tu bổ, tôn tạo hậu cung, chống xuống cấp các di tích và cải tạo không gian đền thờ chính; Dịch chuyển nhà tả mạc, hữu mạc để nới rộng không gian đền. Cải tạo lại hồ bán nguyệt và sân đền trước nhà tiền tế. Xây dựng đền thờ thân, phụ mẫu Hai Bà và đền thờ thân, phụ mẫu ông Thi Sách, đền thờ các tướng lĩnh của Hai Bà. Khôi phục lại Thành Ống, Hộp thư bí mật. Cải tạo nâng cấp Hồ Mắt Voi. Đền bù và giải pháp mặt bằng cho gần 20 hộ dân.

Giai đoạn 2 (2005 – 2010): Xây dựng hệ thống các công trình phục vụ tham quan, du lịch, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đường giao thông nội tuyến, ngoại tuyến.

Thực hiện giai đoạn 1 của dự án, trong 2 năm 2003 – 2004 Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc nói riêng, nhân dân cả nước nói chung trong đó phụ nữ cả nước đã hưởng ứng lời kêu gọi của Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa dành một ngày lương công đức tu bổ, tôn tạo Đền thờ Hai Bà. Đến nay các hạng mục chống xuống cấp 3 toà Đền chính là tiền tế, trung tế, hậu cung; Sơn son thếp bạc các cấu kiện gỗ của 3 toà và tu bổ toàn bộ nội thất trong đền đã hoàn chỉnh.

Bước sang năm 2005, năm cuối thực hiện những công việc còn lại của giai đoạn 1 và chuẩn bị cho giai đoạn 2 trong quá trình quy hoạch tổng thể, trùng tu tôn tạo lại đền Hai Bà, còn rất nhiều việc phải làm: xây dựng các công trình phụ trợ tạo ra một không gian tái hiện lịch sử; xây dựng toàn bộ hệ thống các công trình phục vụ thăm quan, du lịch; hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, cây xanh, hồ nước… Nhằm xây dựng một môi trường văn hoá – du lịch vừa mang tính chất tâm linh, vừa là du lịch sinh thái.

Những công việc cần phải thực hiện theo quy hoạch tổng thể đã được Bộ Văn hoá – Thông tin chấp thuận và UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt còn rất nhiều việc phải làm và rất nặng nề. Nhưng được sự quan tâm của Bộ Văn hoá – Thông tin. Bộ Kế hoạch – Đầu tư, của các cơ quan Trung ương, của nhân dân cả nước. Chúng ta tin tưởng rằng Đền thờ Hai Bà Trưng sẽ được tu bổ, tôn tạo ngày một khang trang nhằm tương xứng với công lao của Hai Bà trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp giữ gìn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc./.

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *