Đền Thính

Đền Thính nằm tách biệt khỏi khu dân cư giữa cánh đồng thuộc xã Tam Hồng, cách trung tâm huyện lỵ Yên Lạc khoảng 1km về phía Tây. Gọi là đền Thính vì nhân dân kiêng chữ huý chữ Thánh trong bài vị Tản viên sơn Thánh, nên gọi chệch đi.

Tên chữ của đền Thính là Bắc Cung thượng vì nằm ở phía Bắc sông Hồng đất Yên Lạc, còn lại 3 cung Đông, Tây, Nam, đều ở phía Nam sông Hồng, bên tả ngạn.*

Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh, huý là Nguyễn Tuấn. Trong truyền thuyết dân gian, thần Tản Viên chính là Sơn Tinh, đã đánh thắng Thuỷ Tinh, dẹp yên lũ lụt sông Hồng. Sơn Tinh lấy con gái Hùng Duệ Vương. Nhà vua muốn truyền ngôi cho Sơn Thánh, kế tục sự nghiệp Hùng Vương thứ 18. Nguyễn Tuấn khuyên vua nhường ngôi cho An Dương Vương, thống nhất nước Văn Lang với nước âu Lạc, thành một quốc gia vững mạnh. Vua Hùng và Sơn Tinh rời bỏ cõi trần, thoát tục lên tiên.

Nhớ ơn Tản Viên Sơn Thánh huy động nhân dân chiến thắng lũ lụt sông Hồng, dẹp nan xâm lăng, thống nhất quốc gia, lại thường hiển linh trừ tai giải ách cho chúng sinh, nên nhân dân tôn vinh ngài là một vị trọng tứ bất tử và lập đền thờ.

Trên nền móng cũ, năm Thành Thái thứ 13 (1902), đền Thính xây được hậu cung. Năm Duy Tân thứ 5 (1911) dựng thêm lầu chuông, lầu trống. Năm Khải Định thứ 2 (1917) xây 7 gian tiền tế. Năm Khải Định thứ 6 (1921), xây thêm ngũ môn rất đồ sộ, dáng vẻ cổ kính.

 

Đền Thính có 2 tấm bia dựng năm Khải Định thứ 8 (1923) và năm Bảo Đại thứ 11 (1936) kể về quá trình xây dựng đền. Đền có 14 gian, chắp hình chữ Đinh, các cửa võng đục trạm cầu kỳ, sơn son thiếp vàng lộng lẫy, không gian hài hoà, kiến trúc sinh động. Vẫn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay.

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *