Là ngôi chùa của tổng Tuân Lộ xưa nên còn gọi là chùa Tuân Lộ, nay thuộc thôn Thượng, xã Tuân Chính, cách huyện lỵ huyện Vĩnh Tường khoảng 2km về phía Tây.
Toàn cảnh phía trước chùa
Đại tự “Công hoàng liệt” y môn chạm “tứ linh”
Chùa Hoa Dương được xây dựng thời Hậu Lê, năm 1680, còn lại cho đến ngày nay là một di tích có kiến trúc khá đồ sộ, nguy nga, mặt bằng hình chữ “công” gồm 3 toà chính: Tiền đường (7 gian), thượng điện (4 gian) và nhà tổ (5 gian), tổng diện tích 262m2 cùng 2 nhà hành lang gồm 20 gian với diện tích 196m2, phía trước sân còn cây Bồ Đề cổ thụ trăm năm tuổi và các loài cây: Đại, Ngâu, Lan, Sấutạo nên không khí thâm nghiêm, u tịch nơi cửa thiền.
Về kiến trúc: Kết cấu bộ vì theo kiểu thức “chồng rường giá chiêng”, hệ thống cột chịu lực đều bằng gỗ lim to, chu vi cột 1,5m và đều được kê trên chân đá tảng vuông, to mỗi chiều 75cm để chống mối và chống ẩm.
Mộc bản khắc mâm bồng ngủ quả và bài kệ chữ Hán
Tượng Bồ tát
Về mỹ thuật: Giá trị nổi bật của chùa Hoa Dương là nghệ thuật điêu khắc, được biểu hiện ở hệ thống tượng tròn và các tác phẩm điêu khắc gỗ (y môn, tranh kệ, hoành phi, câu đối). Đó là các lớp tượng cơ bản, đại diện chung cho hệ thống tượng được bài trí trong một ngôi chùa thờ phật theo phái Đại thừa ở miền Bắc Việt Nam, gồm các lớp: Bộ tượng Tam thế phật, Di Đà tam tôn phật, Thích ca cửu long, tứ Bồ tát, tứ Thiên vương, tượng Đức ông, Thánh hiền, Hộ pháp phật và tượng phật Tổ. Tất cả các pho tượng phật đều được tạo từ gỗ mít già, nguyên lõi, kỹ thuật công phu, tỉ mỉ, nghệ thuật sáng tạo, điêu luyện, thể hiện khả năng tư duy thẩm mỹ nghệ thuật cao và hoà nhuyễn trong nhận thức giá trị tuyệt đối “không” của phật pháp. Giá trị chân, thiện, mỹ của đạo phật bắt nguồn từ những chân lý giản đơn của cuộc sống thường nhật qua hàng nghìn năm tu luyện, bồi dưỡng, lưu truyền đã trở thành một bộ phận cơ bản của tâm hồn Việt Nam, tâm hồn nghệ sỹ khi thổi hồn cho các pho tượng hoặc từ gỗ, đá, hay đất mà trở nên lung linh, huyền ảo nhưng rất thực trước mỗi người khi bước chân vào chùa chiêm bái phật.
Bài trí tượng Phật ở chính Điện Mộc bản trang trí hình cuốn thư
Tượng Phật tổ Như Lai
Tượng A Di Đà (thế kỷ XVIII)
Các tác phẩm điêu khắc gỗ có: 8 bức y môn (biển hoành) đều chung kích thước (dài 3,0m rộng 0,6m) được chạm nổi, sơn son thếp vàng các đề tài thiên nhiên: Hoa lá, vân mây, cổ thụ, chim muông vô cùng gần gũi, tự nhiên và sống động, chính giữa đục các “đại tự” mang ý nghĩa tụng ca, răn dạy, đan xen giữa phật pháp và triết lý Nho học. 8 bức “tranh Kệ” khắc các bài kệ bằng chữ Hán với nội dung về phong cảnh thiên nhiên và những đề tài liên quan đến việc hoằng dương phật pháp, là những thi ca tuyệt hảo lồng trong tác phẩm điêu khắc tài ba, trên nền của kỹ thuật chạm khắc, trang trí phóng khoáng, bố cục hài hoà, sơn thếp đẹp, xứng đáng là di sản cho muôn đời hậu thế chiêm ngưỡng và ngẫm suy. 8 bộ hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, câu chữ chuẩn chỉnh, ngay ngắn, ý tứ sâu xa, ngữ nghĩa bao trùm, chân tâm, chân thiện. Cùng với các di vật cổ: Chuông đồng, cây hương, bia đá,.đồng thời là những tư liệu văn tự cổ trên đá lưu mãi để muôn đời hậu thế, thập phương du khách, tăng ni phật tử tìm cơ hội đến chiêm bái nơi cảnh thiền ẩn lặng dấu quê.