Di tích chiến khu Ngọc Thanh

Giữa những ngày tháng hào hùng của kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và quốc khánh 2/9, chúng ta cùng tìm hiểu về Di tích Chiến khu Ngọc Thanh – nơi từng là căn cứ địa, cơ quan đầu não trong kháng chiến.

Chiến khu Ngọc Thanh hay Chiến khu I thuộc Liên khu Việt Bắc, gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Nằm ở vị trí bản lề giữa vùng đồi núi và vùng đồng bằng, án ngữ con đường giao thông huyết mạch giữa Vĩnh Yên- Phúc Yên với Thái Nguyên, Việt Bắc. Ở vào vị trí chiến lược hết sức lợi hại, ta dễ hoạt động mà địch khó tiến công lấn chiếm nên chiến khu này có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Đây không những là vọng gác tiên tiêu của Việt Bắc mà còn là một trạm trung chuyển, đường giao liên có tính chất huyết mạch giữa vùng trung du miền núi phía Bắc – nơi đặt Trung ương kháng chiến với Thủ đô và các tỉnh đồng bằng châu thổ. Căn cứ địa Ngọc Thanh là một chiến khu khá điển hình, được xây dựng toàn diện, phát triển đều về các mặt: Quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa. Đóng ở chiến khu lúc bấy giờ gồm các cơ quan đầu não của trung ương và địa phương như: Kho bạc Nhà nước, trạm quân y dược, kho lương thực, xưởng quân giới, ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Phúc Yên, huyện Bình Xuyên và ủy ban các xã: Sơn Lôi, Bá Hiến, Tam Canh, Phúc Thắng, Cao Minh; cùng nhiều đơn vị bộ đội như: Đại đoàn 308, đại đoàn 312, trung đoàn 2, trung đoàn 46, đại đội Hoàng Văn Thụ, đại đội Trần Quốc Tuấn thuộc tỉnh đội Phúc Yên và một số đội du kích các xã lần cận. Những hoạt động hữu hiệu của các cơ quan đơn vị này đã tạo nên một diện mạo khá hoàn chỉnh về một chiến khu cách mạng; một hình ảnh tiêu biểu của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, anh dũng và tự lực cánh sinh của dân tộc do Đảng ta lãnh đạo.

Núi Thần Lằn – Nơi xảy ra trận đánh đồn Thằn Lằn đêm 28/12/1950.

Núi Thằn Lằn là một dãy núi cao duy nhất nằm ở phía tây nam chiến khu, thuộc gianh giới giữa xã Ngọc Thanh, xã Cao Minh và phường Xuân Hoà. Xung quanh núi địa hình bằng phẳng và trống trải. Đồn Thằn Lằn được lập trên một điểm cao nhất thuộc đầu dãy núi (điểm cao 126m). Đêm ngày 28/12/1950 lực lượng vũ trang chiến khu Ngọc Thanh tổ chức đánh đồn Thằn Lằn, phá vỡ hệ thống phòng thủ trung du của thực dân Pháp. Sau kháng chiến núi Thằn Lằn được cải tạo và trồng kín cây xanh. Từ 1959 – 1963 xây dựng hồ Đại Lải dưới chân núi Thằn Lằn, biến nơi đây thành khu thăm quan, nghỉ mát hấp dẫn khách gần xa.

Hiện nay, các chứng tích lịch sử đều đã bị mai một, còn lại hệ thống các lô cốt được thực dân Pháp xây dựng để khống chế khu vực quanh núi.

Đình Thanh Lộc

Đình Thanh Lộc cách hồ Đại Lải 8km theo đường Hoàng Hoa Thám hướng đi đèo Nhe. Đình Thanh Lộc được xây dựng trên một khu đất cao, rộng, thoáng đãng. Đình quay hướng Tây Nam, xung quanh là vùng đồi núi nên thơ, phong cảnh hữu tình tạo cho không gian di tích vừa thơ mộng lại vừa ấm cúng, thâm nghiêm. Theo lời truyền của nhân dân địa phương, trước kia đình Thanh Lộc được xây dựng với quy mô lớn, song trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử và tác động của thời gian nên kiến trúc cổ xưa của đình không còn nữa. Năm 1995, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng ngay trên nến móng của ngôi đình cũ một ngôi đình mới gồm 2 toà: Đại đình và hậu cung nổi liền với nhau tạo thành hình chữ “đinh”. Theo bài vị đặt trong ngai thờ thì đình Thanh Lộc thờ hai vị Hoàng Gia đại vương và Nguyên Đức đại vương. Do ngọc phả của đình không còn nên tiểu sử, hành trạng của các vị thần này chưa được khẳng định rõ ràng.

Từ trước cách mạng tháng Tám cho đến kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Thanh Lộc là một cơ sở quan trọng của chiến khu Ngọc Thanh. Đây là nơi lưu niệm diễn trình xây dựng và phát triển của cách mạng từ thời kỳ hoạt động bí mật đến giai đoạn kháng chiến tổng lực của nhân dân ta. Trước cách mạng tháng Tám, đình là địa điểm rất quan trọng trong con đường giao liên của cách mạng từ Phúc Yên đi đèo Nhe, đèo Khế và sang Thái Nguyên. Ngôi đình nằm gần đường nhưng trong khu vực rừng già nên rất kín đáo, tiện hoạt động, lại có cây đa cổ thụ làm hộp thư của các đồng chí cán bộ cách mạng. Nhiêu đồng chí lãnh đạo của Trung ương Đảng và xứ uỷ Bắc kỳ đã hoạt động ở đây, nhiều cơ sở trong nhân dân Thanh Lộc được gây dựng như nhà ông Lý Nguyên, ông Nguyễn Thành,… Khi cách mạng tháng Tám nổ ra, đình Thanh Lộc là nơi họp bàn, mít tinh, tuyên thệ thành lập chính quyền của vùng Thanh Lộc. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, đình tiếp tục là trạm gác tiền tiêu của chiến khu.

Ngày 16/09/2004 đình Thanh Lộc được Sở Văn hoá – Thông tin công nhận băng di tích cấp tỉnh. Từ 2011 – 2012, đình đã được trùng tu tôn tạo. Hiện nay, đến thăm quan di tích lịch sử này, qua tam quan du khách được chiêm ngưỡng hai cây đa cổ thụ (mỗi cây hơn chục cội) hàng trăm năm tuổi tạo thành cổng vòm uy nghiêm cho ngôi đình.

Rừng Móc Son– đại bản doanh của chiến khu.

Rừng Thanh Lộc (Ngọc Thanh) thời kháng chiến chủ yếu là rừng già, kéo dài một dải từ chùa Thông đến đèo Nhe chừng 15km, ở giữa là con đưong chiến lược độc đạo, hai bên là các cánh rừng rậm rạp dây leo chẳng chịt nắng không lọt qua. Rừng Móc Son thuộc hệ thông rừng già Thanh Lộc, cách đường chiến lược Thanh Lộc – đèo Nhe chừng 1km về phía tây. Đây là vị trí rất kín đáo, thuận lợi và an toàn cho mọi hoạt động của bộ đội. Liên tiếp từ 1947 – 1954 các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đến đóng quân, huấn luyện để tham gia các chiến dịch lớn đánh Pháp. Đã nhiều lần quân Pháp kéo từ Phúc Yên qua đường Thanh Lộc đều bị đánh bại, đại bản doanh Móc Sơn tuyệt đối an toàn. Hiện nay khu Móc Son là rừng thứ sinh, cây cối đang phát triển xanh tươi.

Khu vực nhà cụ Lý Thị Hai – nơi đặt trạm quân y dược.

Nhà cụ Lý Thị Hai thuộc thôn Lập Đinh là địa điểm hoạt động của trạm quân chiến khu và cơ sở bào chế thuốc tấn dược. Theo lời kế của cụ Diệp Văn Hữu, nguyên hội trưởng hội trợ giúp binh sĩ thời kháng chiến thì cán bộ của 2 cơ sở trên đều ăn ở sinh hoạt tại nhà cụ Lý Thị Hai, còn nơi bào chể thuốc và điều trị cho thương binh là dãy nhà riêng bên cạnh. Khu vực này có dãy núi Mũi Cày, Tám Cót án ngữ nên kín đáo và an toàn. Cư dân Lập Đinh khi đó chỉ có 25 hộ, nay đã thành một thôn đông đúc, cấy cày canh tác trên thung lũng Lập Đinh màu mỡ. Nhà cụ Lý Thị Hai – nơi ở của cán bộ trạm quân y dược vẫn còn, riêng nơi làm việc của họ hiện là vườn của gia đình cụ Hai, ven vườn còn lại rặng tre cũ.

Khe núi Đá Đen– nơi để kho bạc nhà nước.

Thời kháng chiến kho bạc của nhà nước được chuyển về giữa khe núi Đá Đen (gọi là Đá Đen vì núi này có những viên đá lớn màu den hình thù kỳ dị) và dãy núi đèo Khế (là dãy núi khá cao án ngữ Thanh Lộc và là ranh giới tự nhiên của 2 tỉnh Vĩnh Phúc – Thái Nguyên). Địa điểm này khi xưa rất kín đáo vì có rừng cây lau che chắn. Cách kho bạc chỉ vài trăm mét là đèo Khế dài khoảng 3km nằm cheo leo trên sườn núi chạy dài đến hồ Suối Lạnh thuộc đất Thái Nguyên- nơi Trung ương Đảng ta thường hội họp. Giặc Pháp đã nhiều lần tiến quân sang Thái Nguyên qua đường đèo Khế nhưng đều thất bại, kho bạc được bảo vệ an toàn. Hiện nay huyện Phổ Yên – Thái Nguyên cũng đầu tư Hồ Suối Lanh thành khu du lịch sinh thái. Đây là một trong những điêm du lịch nằm trong chuỗi kết nối giữa Vĩnh Phúc và Thái Nguyên. Hiện nay, các chứng tích lịch sử đều đã bị mai một, không còn dấu vết

Thung lũng Đá Bia – nơi để kho quân lương của chiến khu.

Từ đèo Khê đi bộ 3km qua một thung lũng đến đèo Nhe. Con đèo dài 5 km là con đường chiến lược của liên khu Việt Bắc thời kháng chiến. Hết đèo Nhe rẽ trái khoảng 2km tới một khoảng đất khá rộng rãi và bằng phẳng, chính là thung lũng Đá Bia. Kho quân lương của chiến khu I được đặt ở đây vì có rừng già che trở lại tiện cho việc vận chuyển lương thực đi mọi nơi. Hiện nơi đây nhân dân đang trồng chè.

Đồng Dè – nơi đặt xưởng quân giới của chiến khu

Đồng dè là địa bàn cư trú của dân xòm Đông Dè thời kháng chiến. Xưởng quân giới được lập trên một quả đối bằng phẳng, cây côi bao phủ kín đáo. Địa điểm này vừa gần đường giao thông thuận lợi cho việc vận chuyên vũ khí đi nơi khác, vừa gần nhà dân tiên cho việc sinh hoạt của công nhân vì ta chỉ làm được nhà xưởng, còn công nhân ở nhờ nhà dân. Hiện nay khu vực Đồng Dè dân đã chuyển hết, nới đặt xưởng được san ủi để trồng cây, vết tích cũ chỉ còn vài bụi tre.

Các di tích của chiến khu Ngọc Thanh đã dần mai một theo thời gian. Tuy nhiên phong cảnh thiên nhiên, phong tục tập quán mang đậm bản sắc dân tộc Sán Dìu và dấu ấn lịch sử vẫn còn nguyên vẹn. Tất cả làm nên một Ngọc Thanh muôn màu sắc, thiên nhiên – con người, quá khứ – hiện tại hòa hợp và gắn kết. Nếu được đầu tư thì trong tương lai không xa nơi đây sẽ trở thành một điểm đến thu hút những người yêu thiên nhiên, văn hoá, lịch sử. Ngọc Thanh sẽ là điểm kết nối giữa Tam Đảo – Vĩnh Yên – Đại Lải với các tỉnh bạn như Thái Nguyên, Hà Nội.

Hồng Quân

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *