Tuyến du lịch Vĩnh Yên – Tam Đảo – Tây Thiên

1. Tam Đảo


Toàn cảnh khu nghỉ mát thị trấn Tam Đảo

Tam Đảo, cái tên của 3 đỉnh núi nổi tiếng là Phù Nghĩa (Rùng Rình) 1350m, Thiên Thị 1375m và Thạch Bàn 1388m, là một dãy núi lớn dài 80km, rộng 10-15km, chạy theo hướng tây bắc-đông nam, nơi có Vườn Quốc gia Tam Đảo được thành lập năm 1996. Diện tích vườn là 36883 ha, có độ cao từ 100 đến 1591m, nằm trên địa bàn của 3 tỉnh là Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang, cách thành phố Vĩnh Yên 23km về phía bắc, cách thủ đô Nội 75 km về phía Tây Bắc.


Một phần của dãy núi Tam Đảo

Tam Đảo là một khối núi thuộc phần cuối của dãy núi cánh cung thượng nguồn sông Chảy, phần đuôi hầu như chụm lại ở Tam Đảo, phía bắc xoè ra như những nan quạt và giảm dần độ cao, rồi chuyển thành các đồi gò trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Tam Đảo gồm trên 20 đỉnh núi cao được nối với nhau bằng các đường dông sắc nhọn, đỉnh cao nhất là Tam Đảo Bắc có độ cao 1591m. Địa hình Tam Đảo phức tạp và phân cắt bởi các dông núi phụ với sườn dốc, trung bình từ 26 độ đến 35 độ, thậm chí trên 35 độ. Núi Tam Đảo nổi lên như một hòn đảo cách biệt với xung quanh, khu vực đồng bằng lớn của 3 tỉnh.

Tam Đảo nằm trong vùng khí hậu ẩm nhiệt đới mưa mùa vùng núi. Sườn phía đông có lượng mưa cao hơn sườn phía tây vì sườn phía đông đón gió mang nhiều hơi nước thổi từ biển vào. lượng mưa ở đai cao của núi Tam Đảo khá lớn (2600mm) vì ở đây còn có thêm lượng mưa địa hình. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, chiếm trên 90% lượng mưa cả năm. Tuy nhiên, mưa nhiều vào các tháng 6, 7, 8 và 9. Do ảnh hưởng của điều kiện địa hình, địa mạo nên nhiệt độ vùng thấp biến động từ 22,9 đến 23,7 độ C, tháng lạnh nhất trên 15 độ (tháng 1), tháng nóng nhất trên 28 độ (tháng 7). Riêng vùng núi có nền nhiệt độ thấp hơn cả, bình quân là 18 độ C, lạnh nhất là 10,8 độ (tháng1), tháng nóng nhất 23 độ (tháng 7). Đáng chú ý là nhiệt độ khu nghỉ mát Tam Đảo thấp hơn nhiệt độ ở thành phố Vĩnh Yên khoảng 6 độ C. Độ ẩm bình quân khu vực thấp là 81-84%, trên cao là 87%. Khu vực vùng núi có độ ẩm cao hơn khu vực thấp, nhất là khi có mưa phùn.

2. Tài nguyên thiên nhiên Tam Đảo

Tam Đảo có khu hệ động và thực vật rất đa dạng và phong phú. Theo thống kê gần đây của dự án GTZ (năm 2003), Tam Đảo có 1282 loài thực vật bậc cao, thuộc 179 họ khác nhau. Trong đó, có 42 loài đặc hữu và 64 loài quý, hiếm cần được bảo vệ.

Thực vật Tam Đảo khá đa dạng với rất nhiều loài cây thuộc các họ thực vật khác nhau, từ các loài cây nhiệt đới chỉ thấy ở khu vực thấp họ Dầu (Dipterocarpaceae) đến các loài cây á nhiệt đới trên núi họ Đỗ quyên (Ericaceae). Theo tài liệu về Vườn Quốc gia Tam Đảo năm 2001 và Thái văn Trừng năm 1978, thực vật Tam Đảo được chia thành hai đai là đai cao (đai á nhiệt đới) trên 700m và đai thấp (đai nhiệt đới) dưới 700m. Các kiểu rừng chính ở Tam Đảo là:

Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, ở độ cao dưới 700m, loại rừng này chiếm hầu hết diện tích rừng Tam Đảo. Thông thường kiểu rừng này có 3 tầng là tầng vượt tán với các loài cây họ Dầu Dipterocarpaceae; tầng ưu thế với các loài cây họ Long não Lauraceae, họ Dẻ Fagaceae, họ Máu chó Myrtaceae và họ Cà phê Rubiaceae; và tầng dưới tán gồm cả các loài cây ưa bóng mọc rải rác dưới tán rừng, chủ yếu thuộc họ Máu chó Myristicaceae và họ Na Anonaceae. Lớp phủ thực vật dưới tán rừng bao gồm các họ Đơn nem Myrsinaceae và họ Trúc Đào Apocynaceae.

Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới ở độ cao trên 700m, độ ẩm cao nên có rất nhiều loài rêu bao phủ trên thân cây rừng. Các loài cây họ Dầu Dipterocarpaceae không còn thấy nữa, thay vào đó là các loài họ Long não Lauraceae, họ Dẻ Fagaceae, họ Chè Theaceae, họ Mộc lan Magnoliaceae và họ Sau sau Hamamelidaceae. Ở độ cao trên 1000m là sự có mặt của các loài cây lá như Pơ Mu Fokienia hodginsii, Kim giao Podocarpus sp.


Rừng mây mù

Rừng lùn trên đỉnh và dông núi, rừng lùn trên đỉnh và dông núi điển hình cho rừng thường xanh mưa á nhiệt đới núi thấp được tạo nên ở sườn núi dốc hay ở các dông và đỉnh núi trên đất nghèo, gió to và thường có mây bao phủ. Thực vật nhỏ và thấp, chủ yếu là các loài cây như Michelia foveolata họ Mộc Lan Magnoniaceae, Illicium grifithii họ Hồi Illiaceae, Vaccinyum chunny họ Đỗ quyên Ericaceae mọc thành từng mảng, cao 1,5-2,0m, cành phủ đầy rêu và địa y.

Rừng hỗn giao tre nứa. Do rừng bị khai thác cũng như các hoạt động nông nghiệp đã làm thay đổi các kiểu thảm thực vật. Từ đó, tre và nứa phát triển hình thành rừng hỗn giao tre, nứa. Rừng phục hồi sau nương rẫy đã bị tàn phá từ những năm 1980. Kiểu rừng ở vùng bị tàn phá nhiều trước kia nay trở lại thành rừng phục hồi, tuy nhiên, một số nơi loại rừng này vẫn bị tác động.

Loài thực vật đặc hữu ở Tam Đảo là Ráng Tam Đảo (Tectaria tamdaoensis), Hoàng thảo Tam Đảo (Dendrobium tamdaoense), Chân danh eberhardt (Euonymus eberhardtii), Tứ thư eberhardt (Tetrastigma eberhardtii), Dương đồng bốc (Adinandra bockiana), Trà hoa dài (Camellia longicaudata), Trà hoa petelot (Camellia petelotii), Trà hoa gân có lông (Camellia pubicosta), Hoa tiên (Asarum glabrum), Giác đế Tam Đảo (Goniothalamus takhtajanii), Lá men Tam Đảo (Mosla tamdaoensis) và nhiều loài khác đặc hữu khác.

Loài thực vật quý, hiếm ở Tam Đảo là Lông cu li (Cibotium barometz), Hoàng tinh hoa trắng (Disporopsis longifolia), Cốt toái bổ (Drynaria fortunei), Thông tre lá ngắn (Podocarpus pilgeri), Hoàng đàn giả (Daerydium elatum), Dẻ tùng sọc trắng (Amentotaxus argotaenia), Pơ mu (Forkinia hodginsii), Kim giao (Nageia fleuryi), Hoàng thảo Tam Đảo (Dendrobium daoense), Ba kích (Morinda officinalis), Hoàng đàn (Fibraurea recisa), Vù hương (Cinnamomum balansae), Trầm hương (Aquilaria crassma) và nhiều loài khác.

Khu hệ động vật với 77 loài thú, 280 loài chim, 180 loài bò sát, lưỡng cư. Các loài động vật có xương sống quý, hiếm ở Tam Đảo như Culi lớn (Nycticebus coucang), Khỉ vàng (Macaca multata), Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides), Gấu ngựa (Selenarctos thibetanus), Báo gấm (Neofelis nebulosa), Báo lửa (Felis temmincki), chim Dù dì phương đông (Ketupa zeylonensis), Bói cá lớn (Megaceryle lugubris), Kì đà hoa (Varanus salvator), Trăn đất (Python molurus), Rắn hổ mang (Naja naja), Rắn hổ chúa (Ophiophagus hannah), Rùa hộp tráng vàng (Cuora galbinifrons), Rùa hộp ba vạch (Cuora trifasciata), Ếch gai (Rana spinosa), Cá cóc Tam Đảo (Paramesotriton deloustali).


Cá cóc Tam Đảo

Côn trùng Tam Đảo rất đa dạng, nơi có nhiều loài đặc trưng, đặc hữu và loài quý, hiếm, được nhiều nhà côn trùng học cũng như các nhà sư tầm côn trùng nước ngoài biết đến. Tam Đảo hàng ngàn loài côn trùng, trong đó có 362 loài bướm. Ngoài ra, rất nhiều nhóm côn trùng khác chưa được nghiên cứu, nhất là các nhóm thuộc bộ cánh vẩy (Lepidoptera). Nếu được nghiên cứu kỹ, con số về loài ở đây có thể lên tới nhiều ngàn loài. Các loài côn trùng quý, hiếm như các loài bướm Phượng Teinopalpus aureus, Byassa crasippes, Papilio noblei, Troides aeacus và Troides helena. Trong đó, loài bướm Phượng đuôi kiếm Teinopalpus aureus có trong danh lục của IUCN và CITES (cần được bảo vệ). Loài hiếm, phân bố hẹp, có giá trị về khoa học, thẩm mỹ và thương mại cao, chỉ sống nơi có rừng ở độ cao trên 1000m ở một vài nơi có rừng ở Miền Bắc và Trung Việt Nam. Ngoài ra, còn một số loài bọ cánh cứng họ bọ hung như Cua bay Cheirotonus sp. (họ Bọ hung Scarabaeidae), loài ngài đêm Salassa lemaii họ Hoàng đế (họ Hoàng đế Saturnidae) cũng là những loài khá quý, hiếm. Nhiều loài ngài, bướmvà cánh cứng mới cho khoa học được mô tả từ Tam Đảo như loài Ngài họ Hoàng đế Cricula vietnama; các loài bướm mới Capila pauripunetata tamdaoensis, Celaenorhinus inexspectus, Halpe frontieri, Pintara bouringi colorata, Sovia eminens và Thoressa monastyrskyi monastyrskyi (Devyatkin (1996, 1997, 1998), Euthalia sinkai (Yokochi, 2004), Chrysozephyrus scintillans sinkaii (Morita, 1998); và loài cánh cứng Xyloscaptes davidis thuộc họ bọ Hung và v.v.


Loài bướm quý, hiếm (Teinopalpus aureus)


Cua bay (Cheirotonus sp.) một loại bọ cánh cứng đẹp và có giá trị họ bọ Hung

GIÁ TRỊ THẨM MỸ VỀ CẢNH QUAN VÀ MÔI TRƯỜNG TAM ĐẢO

Tam Đảo gần thủ đô Hà Nội, gần thành phố Việt Trì, Vĩnh Yên. Nơi có khí hậu mát mẻ, diện tích rừng rộng lớn là một lá phổi xanh điều hoà khí hậu cho thủ đô Hà Nội và các khu vực lân cận. Một khu nghỉ dưỡng và tham quan rất quý giá. Ngoài ra, Tam Đảo còn có giá trị đặc biệt vì nó ảnh hưởng mạnh đến thời tiết, điều kiện thuỷ văn sông Hồng, sông Chảy và sông Lô.

 

Tháp truyền hình Tam Đảo nằm trên đỉnh núi ở độ cao 1250m. Từ đây du khách có thể nhìn về Vĩnh Yên, Việt Trì, hồ Núi Cốc. Ba đỉnh núi Tam Đảo ở độ cao trên 1300m, có rừng nguyên sinh, cảnh quan đẹp. Là nơi du khách có thể thực hiện các cuộc leo núi, du lịch sinh thái để nghiên cứu, tham quan và chụp ảnh phong cảnh, động và thực vật nơi đây. Lên tháp truyền hình hay chinh phục các đỉnh núi, đường đi dưới tán rừng thường xuyên có mây mù bao phủ, phong cảnh rất thơ mộng và hữu tình.

Rừng tự nhiên là nơi cư ngụ của các loài động và thực vật, còn là nơi tham quan, giải trí. Dù trong những ngày hè oi bức, khi bước chân vào rừng tự nhiên, ta có cảm giác như vào trong phòng điều hòa không khí tự nhiên với khí hậu rất trong lành mà không có máy điều hòa không khí nào có thể so sánh được. Du khách có thể lang thang cả ngày trong rừng mà không biết chán.

Thác Bạc, một địa danh gần gũi và quen thuộc đối với khách du lịch cũng như mọi người. Nguồn nước chảy quanh năm, đặc biệt là vào mùa mưa, thác nước cao và đẹp như dải lụa trải xuống từ trên cao.

Ngoài ra, động và thực vật, đặc biệt là các loài côn trùng với hình dáng đẹp, màu sắc sặc sỡ rất đẹp thường bắt gặp ở Tam Đảo, có giá trị thẩm mỹ, thu hút sự chú ý của mọi người.

3. Vườn quốc gia Tam Đảo

Với những ai yêu thích thiên nhiên, thích khám phá những điều bí ẩn từ thiên nhiên, ưa sự mạo hiểm thì đi rừng là một cơ hội để thoả mãn


Nhà điều hành sân Goft Tam Đảo

Vườn Quốc gia Tam Đảo có diện tích khoảng 19.000 ha, tài nguyên rừng rất đa dạng với trên 620 loài cây thân gỗ và thân thảo, 40 % các loài sồi, giẻ. Đặc biệt ở đây có cây Pơmu là cây gỗ quý hiếm, điển hình cho vùng á nhiệt đới. Về chim có tới 120 loài, có nhiều loài chim cảnh có bộ lông màu sặc sỡ như Vàng anh, sơn tiêu trắng, sơn tiêu đỏ, gà nôi hoặc có giọng hát hay như hoạ mi, khướu bách thanh, gà rừng, đa đa, phượng hoàng đất, chim cu gáy…

Thú rừng có chừng 45 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm như hổ, báo, gấu, sóc bay, chồn mực, vượn, voọc quần đùi, voọc đen, nai, hoẵng, lợn rừng, sơn dương…

Rừng Quốc gia Tam Đảo vừa là nơi tham quan ngắm cảnh, vừa có giá trị nghiên cứu khoa học về hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới trên núi. Đặc sản của địa phương có nhiều cây thuốc và cây dược liệu, có nhiều rau, hoa quả quý. Là nơi nghỉ mát mùa hè, nơi nghỉ cuối tuần đối với Thủ đô Hà Nội và các khu vực xung quanh, các nhà nghỉ khách sạn đủ điều kiện để phục vụ khách trong và ngoài nước.

Du khách đến nghỉ ở Tam Đảo có thể đi thăm cảnh quan hấp dẫn như: thác Bạc, Đền Mẫu bà Chúa thượng ngàn, đền Đức Thánh Trần thăm khu du lịch Lạc Hồng mới đi vào hoạt động hoặc leo hơn 1000 bậc lên tháp truyền hình Tam Đảo. Nếu leo núi luồn rừng có thể đến khu danh thắng Tây Thiên hoặc chinh phục các đỉnh núi Rùng rình, Phù Nghĩa, Thiên Thị…

Trên đường từ Tam Đảo đi Tây Thiên du khách có thể vào tham quan đền Cô, đền Cậu và đền Chân suối ở ngay chân núi Tam Đảo.

Cũng vẫn trên tuyến đường này xin mời du khách ghé thăm khu resort tuyệt đẹp đã được khai trương vào tháng 1/2007, cùng với sân gôn 18 lỗ ngay dưới chân núi Tam Đảo rất hấp dẫn với những du khách có nhu cầu cao cấp đến chơi và nghỉ.

4. Và ngay cạnh sân gôn xin mời quý khách đến với hồ Xạ Hương.

Hồ Xạ Hương nằm trong thung lũng núi Con Trâu thuộc xã Minh Quang, Huyện Tam Đảo. Hồ rộng 83 ha với nhiều ngách lớn xuyên vào các cánh rừng. Đập nước cao 41 m, sức chứa của hồ hơn 12 triệu m3 nước.


Sân Goft Tam Đảo

Nước hồ Xạ Hương trong xanh và sạch. Khi hồ dâng cao tới cao trình 92 tạo mặt hồ rộng, chèo thuyền giữa mênh mông sóng vỗ có thể ghé thuyền vào làng hay giữa lưng chừng núi. Lúc hồ rút xuống cao trình 76 du khách ngỡ ngàng thấy hai chú cá voi bằng đá đang nhấp nhô dưới làn nước xanh. Khi hồ còn ở cao trình 53 sẽ thấy xuất hiện hàng đàn hải mã, lợn lòi, hổ, báo bằng đá mồ côi, chúng như đang tranh mồi làm tung nước trắng xoá nơi cửa các con suối chảy vào hồ.

5. Tây Thiên

Cách điểm khu nghỉ mát Tam Đảo khoảng trên 10 km theo đường chim bay và 25km đường bộ, là khu danh thắng Tây Thiên một quần thể kiến trúc cổ nằm hoà với cảnh thiên nhiên của núi rừng Tam Đảo.


Cây đa chín cội – Tây Thiên

Tây Thiên nằm ở phương chính Tây của Kinh đô Nam Việt xưa, thờ Quốc Mẫu Năng Thị Tiêu thời vua Hùng. Theo truyền thuyết nữ thần núi Tam Đảo đem ba ngàn quân xuống ngã ba Hạc, tử chiến với giặc bắc xâm lược, giải nguy cho thành đô nước Văn Lang. Dẹp xong giặc, nữ thần từ chối chức tước bổng lộc của triều đình trở về với núi thiêng, tức là Tây Thiên ngày nay. Hiện nay khu danh thắng Tây Thiên còn cả đền Tây Thiên và chùa Tây Thiên. Đi từ dưới chân lên đến đỉnh của Tây Thiên xin mời du khách lần lượt tham quan các điểm như: Đền Trình, đền Thõng, đền Cô, đền Cậu, suối Giải oan…


Thác Bạc Tây Thiên – Tam Đảo

Thắng cảnh Tây Thiên là sự kết hợp hài hoà giữ thiên nhiên và sức sáng tạo của con người. Thác Bạc đổ xuống trắng xoá như rót bạc, rồi đầm Sen, ao Dứa, núi Rùng Rình. Sườn núi có chùa Tây Thiên trúc xanh, thông biếc. Trên đỉnh núi có chùa Đồng cổ. Từ phía tả khe Giải Oan lên núi đến Hồ Sen, có nhiều hòn đá với hình dáng kỳ lạ và Sen đỏ hoa nở bốn mùa. Suối từ chùa Đá toả ra bên tả là suối Bạc, bên hữu là suối Vàng. Chùa Đá có tường và nóc bằng đá, trần có khắc chữ Chùa Địa Ngục (Địa Ngục Từ). Suối Bạc và suối Vàng hợp nhau ở Hồ Sen rồi quanh co chảy suống hợp với khe Giải Oan. Từ bên bờ đi bộ khoảng nửa dặm gặp chỗ bằng phẳng thành đá dựng đứng, ở giữa có ba nền đất với tám toà đá vuông trông như hình bát bộ kim cương và một tấm bia lớn bằng đá khắc chữ “La Thành Bất Loạn”.


Đền Thõng Tây Thiên – Tam Đảo

Toàn khu Tây Thiên được xây dựng từ thời Lý, Trần, tiếp đến đời Lê có cây hương đẽo bằng đá xanh ghi khắc công lao tu bổ đền năm Bảo Thái (1720), Thời Tây Sơn cũng để lại cho Tây Thiên chiếc khánh quý bằng đồng cao 1,04m niên hiệu Cảnh Thịnh (1794). Cách chùa Tây Thiên 50m là động Sách Hoa với nhiều hình dáng kỳ thú.


Đền Thượng Tây Thiên – Tam Đảo

Tây Thiên từ lâu đã chở thành một khu di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị nhiều mặt, nơi đây vừa được coi như một quần thể di tích kiến trúc, vừa có phong cảnh đẹp, sơn thuỷ hữu tình, giàu tiềm năng văn hoá và du lịch đã thu hút khá đông khách thập phương đến thưởng ngoạn vể đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên và sự tài hoa của con người. Không chỉ vậy Tây Thiên còn là nơi thu hút các nhà dân tộc học, các nhà nghiên cứu văn hoá, nghiên cứu khoa học rừng nhiệt đới, động thực vật.

6. Thiền Viện Trúc Lâm ở Tây Thiên

Nơi khởi thuỷ của Phật giáo Việt Nam, có vẻ đẹp bề thế mà vẫn hài hoà với thiên nhiên, được toạ lạc trên sườn núi cao, từ đây du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để thấy bao la rừng núi với đồng bằng, được xây dựng bề thế mà vẫn hài hoà với thiên nhiên.


Thiền Viện Trúc Lâm – Tây Thiên – Tam Đảo

Thiền viện được xây dựng với ý nguyện phục hung lại Phật giáo tại nơi sơ khai này bằng tất cả tâm huyết, tình cảm của lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà cùng với lòng thành của Hoà thượng Thích Thanh Từ- người có nhiều công lao trong việc phục hồi Thiền tông Trúc Lâm Việt Nam. Đặc biệt hơn khi mà để tạo nên Thiền Viện Tây Thiên có sự góp mặt của rất nhiều nét tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc tiêu biểu nhất Việt Nam, từ làng đá mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn-Đà Nẵng, Ninh Bình, Thanh Hoá; làng nghề Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh; Huế, Nha Trang, Gia Lai, Hà Nội, Nam Định.

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *