Tuyến du lịch Vĩnh Yên – Đình Tam Canh – Làng gốm Hương Canh

Nằm cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 7km, dọc theo quốc lộ 2A, cách Hà Nội khoảng 50km. Cụm đình Tam Canh gồm 3 đình: Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Hường. Đây cũng là tên của 3 làng thuộc thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên. Mỗi làng có một ngôi đình, song đều thờ 5 nhân vật lịch sử được phong “Thần” là Ngô Xương Ngập (con trưởng của Ngô Quyền), Ngô Xương Văn (con thứ của Ngô Quyền), Đỗ Cảnh Thạc (một tướng của Ngô Quyền), bà mẹ của Ngô Xương Văn là Linh Quang Thái Hậu và một ả Nữ nương được phong là Thị Tàng công chúa. Có niên đại cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Tổng thể mặt bằng ba ngôi đình bố cục kiểu chữ “Vương”. Cùng với kiến trúc hoành tráng bằng gỗ đồ sộ, cụm đình Tam Canh còn nổi tiếng về những trạm khắc trang trí nội thất.


Cụm đình Tam Canh

1. Đình Hương Canh

Tất cả các đầu dư, họng cột, những phần thừa ra ở đình đều được biến thành những tác phẩm nghệ thuật. Những đầu kìm được trạm lộng sâu tới gang tay, những nét mác cong đều nhau vun vút. Những đầu hoành, đòn tay là những chú voi mập mạp, như đang đứng đó cùng nhau khiêng đội mái đình.

Đặc biệt, những chạm trổ trên những bức cốn và ván gió mới thật tuyệt tác. Tất cả có 19 bức chạm lớn nhỏ gép thành 6 mảng lớn ở trong đình. Đây là hình ảnh thu nhỏ của ngày hội làng, phản ánh được phần nào sinh hoạt của nhân dân thời Lê Trung Hưng.

2. Đình Ngọc Canh

Nội dung và nghệ thuật chạm trổ đình Ngọc có những điểm khác đình Hương Canh. Nếu như đình Hương tả nhiều về ngày hội làng, những trò chơi đông người vui nhộn thì đình Ngọc thiên về đặc tả những người lao đông, những thú vui hàng ngày trong nông thôn. Với bố cục chặt chẽ, hài hoà, đình Ngọc Canh là một tác phẩm hoàn hảo, có nội dung tư tưởng sâu sắc. Đặc sắc nhất là bức “dựng cột buồm” được chạm trên một đầu cột con ở gian cạnh, miêu tả cảnh đóng thuyền buồm của một hiệp thợ.

3. Đình Tiên Hường

Đình Tiên Hường ít miêu tả cảnh sinh hoạt của con người. Hầu hết là chạm các cảnh thiên nhiên và vật thờ như hoa sen, rùa, phượng, kình nghê… đặc biệt là hình rồng rất phổ biến và ở nhiều tư thế khác nhau: rồng hút nước, rồng cuốn cột, cá hoá rồng…

Bức chạm trổ tiêu biểu nhất là bức cửa võng. ở đình Tiên Hường có hai lần cửa trong và ngoài, mỗi lần lại có ba ô cửa, trang trí bằng bảy lớp cá hoá rồng, mỗi con 1,50m dài suốt theo chiều cao của cửa, đầu cá ở cuối đang cong lên để nhìn toàn bộ phần thân đã hoá rồng.

Còn ba ô cửa trong được trang trí đến tám tầng, mỗi tầng là một con rồng hoàn chỉnh dài suốt theo cửa, thân rồng tua tủa những hình mác, đầu rồng ở phía dưới nhưng ngẩng lên, mồm há, mắt bôi đen trắng. Hai cột giữa chạm một đôi rồng to đang cuốn chặt vào cột. Trong toàn bộ sáu ô cửa võng là hơn một trăm con rồng nằm cùng một tư thế song song với nhau, với cả rừng cây mác trông rất uy nghi.

Bên trên cửa võng là bức ván gió chắn nối lên tận trần, trang trí các hình rồng chầu mặt trời, phượng càm chữ thọ và bốn chữ đại tự “thánh cung vạn tuế”. Các hình rồng ở ván gió đều được thiếp vàng lóng lánh. Có thể nói, chạm trổ và trang trí ở cửa võng và án gian đình Tiên Hường là những kiệt tác độc đáo về điêu khắc gỗ dân gian ở Vĩnh Phúc thời Lê Trung Hưng.

Cũng ở thị trấn Hương Canh, xin mời quý khách tới tham quan một làng nghề truyền thông của Vĩnh Phúc dó là:

4. Làng gốm Hương Canh

thuộc huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, nằm ngay trên đường quốc lộ 2A. Nghề gốm ở đây có từ lâu đời. Tương truyền, sau khi đánh bại Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương, triều đình Lê – Trịnh đã phái quan Nội Hầu Trịnh Xuân Biền về phủ dụ dân chúng. Thấy xóm làng xơ xác tiêu điều, dân chúng phiêu bạt, những người hồi cư không kế sinh nhai, ông Trịnh Xuân Biền đã giúp dân phục hồi sản xuất nông nghiệp và đem người đến dạy dân làm nghề cang chĩnh. Cuộc sống đi vào ổn định và khấm khá dần. Khi ông qua đời, dân làng thương tiếc, lập miếu thờ, tôn ông làm sư tổ nghề gốm.

 

Làng gốm Hương Canh chuyên làm vại, chĩnh, chậu, lọ, tiểu sành. Gốm Hương canh xưa nay rất được ưa chuộng. Người ta bảo nhau “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh”. Gốm Hương Canh chống được nước thẩm thấu, ngăn được ánh sáng, giữ được bền hương vị nguyên chất của những thứ đựng bên trong.

Gốm Hương canh từng đi vào thơ Tố Hữu

“Ai về mua vại Hương Canh

Ai lên mình gửi cho anh với nàng”

 

Nếu như du khách tới đây vào những dịp đầu xuân, du khách còn được thưởng thức một số lễ hội cổ truyền đặc sắc ở đây vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, đông vui tấp nập mỗi độ Xuân về như Kéo Song, Đố chữ…

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *