Hiện nay, nỗi lo thực phẩm không đảm bảo vệ sinh trở thành vấn đề được cả xã hội quan tâm, việc này đặc biệt ảnh hưởng đến ngành du lịch, mà trực tiếp là dịch vụ nhà hàng. Trong quá trình đi du lịch, du khách không chỉ khám phá các giá trị tài nguyên thiên nhiên mà còn khám phá, thưởng ngoạn và nâng cao hiểu biết về văn hóa, nhân văn, trong đó có các giá trị văn hóa ẩm thực. Đối với Vĩnh Phúc, nơi có nhiều khu, điểm du lịch thiên nhiên và tâm linh nổi tiếng thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm, cùng những resort sang trọng nơi những du khách cao cấp lưu tới, thì vấn đề an toàn thực phẩm càng trở nên bức thiết và cần được kiểm soát chặt chẽ hơn, để không chỉ đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho du khách mà còn góp phần giữ vững và duy trì tăng trưởng của ngành dịch vụ du lịch.
Các món ăn ngon cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2121 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, trong đó có 501 cơ sở do tỉnh quản lý; 780 cơ sở do thành phố, thị xã, huyện quản lý; 840 cơ sở nhỏ lẻ và kinh doanh thức ăn đường phố do xã, phường quản lý. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), hàng năm, ngành Y tế cũng như là ban chỉ đạo liên ngành tỉnh thường xuyên tổ chức những đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP đối với các khách sạn, nhà hàng phục vụ khách du lịch; yêu cầu các khách sạn, nhà hàng cam kết thực hiện các quy định đã đề ra về nguồn nguyên liệu thực phẩm đảm bảo chất lượng, điều kiện vệ sinh các trang thiết bị dụng cụ, môi trường và nhân viên phục vụ. Ngay từ đầu năm, hoạt động thanh, kiểm tra liên ngành được đẩy mạnh đặc biệt vào các dịp: Tết Nguyên đán, Tháng cao điểm vì an toàn thực phẩm, Tháng hành động vì ATTP, các sự kiện văn hóa – xã hội. Đối tượng được thanh, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhà hàng, quán ăn, khách sạn, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Tổng số lượt cơ sở được thanh, kiểm tra là: 2495 lượt/ 4155 cơ sở; đa phần các cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh đã chấp hành khá tốt các quy định của pháp luật về VSATTP, tỷ lệ cơ sở đạt tiêu chuẩn điều kiện ATTP chiếm tỷ lệ 82,3% , tuy nhiên vẫn tồn tại 17,2% cơ sở không đạt tiêu chuẩn, cụ thể một số lỗi tiêu biểu như:
– Không có thiết bị chuyên dụng để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm;
– Không có sổ sách theo dõi nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khác đối với nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, sản phẩm thực phẩm có yêu cầu bảo quản đặc biệt.
– Không bảo quản thực phẩm theo đúng hướng dẫn của cá nhân, tổ chức sản xuất.
– Bày bán thức ăn ngay, thực phẩm chín không có thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, không có bàn hoặc giá cao hơn mặt đất theo quy định;
– Sử dụng khu vực chế biến, bảo quản, nơi ăn không bảo đảm vệ sinh hoặc có côn trùng, động vật gây hại;
– Sử dụng nguyên liệu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn để chế biến thực phẩm;
– Sử dụng thực phẩm cũ quá thời gian quy định, bốc mùi;
– Sử dụng thịt từ động vật đã được sử dụng thuốc thú y chưa đủ thời gian ngừng thuốc cần thiết theo hướng dẫn của nhà sản xuất…
Các đoàn thanh, kiểm tra đã xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, cụ thể: cảnh cáo 97 cơ sở; phạt tiền 176 cơ sở (số tiền phạt trên 220 triệu đồng). Đa số các nhà hàng, khách sạn vi phạm nguyên tắc VSATTP trước hết do chính quyền địa phương không sát sao chặt chẽ, lỏng tay trong quản lý giám sát; một số chủ nhà hàng do tiết kiệm chi phí vì lợi ích kinh tế mà không quan tâm đến an toàn của du khách mà nhập thực phẩm giá rẻ lại không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc thực phẩm đã để lâu vẫn sử dụng cho khách du lịch, có khi sử dụng chất bảo quản, chất tẩy rửa để duy trì độ tươi sống. Tuy nhiên, cũng không thể không kể đến một phần do thị yếu của khách hàng, thích đồ ngon nhưng cũng ham đồ rẻ, thế nên thực phẩm không đảm bảo chất lượng mới có cơ hội phát triển… Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể đông người xảy ra. Tuy nhiên cũng không thể lơ là khi tình trạng các nhà hàng chưa nghiêm túc tuân thủ các điều kiện về VSATTP vẫn còn tồn tại. Nhằm hạn chế mức thấp nhất ngộ độc thực phẩm trong các nhà hàng khách sạn phục vụ khách du lịch, trước hết cơ quan quản lý nhà nước cần:
– Tăng cường công tác quản lý trên cơ sở ban hành các quy định cụ thể về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các khách sạn, nhà hàng phục vụ khách du lịch; yêu cầu các khách sạn, nhà hàng cam kết thực hiện các quy định đã đề ra về nguồn nguyên liệu thực phẩm đảm bảo chất lượng, điều kiện vệ sinh các trang thiết bị dụng cụ, môi trường và nhân viên phục vụ.
– Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm. Có chế tài xử lý phù hợp đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định, có thể gây hoặc đã gây ngộ độc thực phẩm đối với khách du lịch, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của ngành Du lịch Vĩnh Phúc.
Kiểm tra nguồn gốc thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm là khâu quan trọng hàng đầu trong kinh doanh nhà hàng, việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm là một trong những tiêu chí đánh giá cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, và cũng là cái tâm giữa người với người.Do vậy, doanh nghiệp nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cần tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc sau trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phầm:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và tập huấn các kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các nhân viên, đặc biệt là những người chế biến món ăn và phục vụ món ăn cho du khách. Công tác tuyên truyền, giáo dục và tập huấn sẽ có tác động tích cực nâng cao nhận thức của nhân viên trong khách sạn, nhà hàng và các cơ sở chế biến món ăn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Những người đầu bếp tham gia trực tiếp vào quá trình chế biến món ăn phải được đào tạo về vệ sinh an toàn thực phẩm và phải có chứng chỉ về lĩnh vực này.
2. Tăng cường kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm và nguồn nước sử dụng tại doanh nghiệp. Nguyên liệu thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn; có hợp đồng về nguồn cung cấp theo quy định và không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế. Phải có nguồn nước sạch, đủ số lượng nước để chế biến thức ăn, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ và vệ sinh cơ sở; nguồn nước phải được định kỳ kiểm nghiệm ít nhất 6 tháng/lần;
3. Kiểm soát chặt chẽ nhà bếp. Khu vực nhà bếp, nơi chế biến thức ăn thiết kế theo quy trình một chiều; có đủ dụng cụ bảo quản, chế biến riêng đối với thực phẩm sống, thực phẩm chín (bàn, dao, thớt…); có đủ dụng cụ chia, gắp, chứa đựng thức ăn, dụng cụ ăn uống bảo đảm sạch sẽ, thực hiện chế độ vệ sinh hàng ngày; không sử dụng tay trực tiếp để chia thức ăn chín; có đủ trang thiết bị phòng chống ruồi, côn trùng gây bệnh;
4. Kiểm soát các phương tiện vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm trong quá trình phục vụ. Các khách sạn, nhà hàng và các cơ sở chế biến món ăn cần có các phương tiện vận chuyển chuyên dụng, chỉ dùng để vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm. Sau khi vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm xong phải vệ sinh và khử trùng ngay. Các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm phải được bao gói kín trước khi vận chuyển. Khi vận chuyển nguyên liệu thực phẩm tươi sống phải có hệ thống làm lạnh.
5. Kiểm soát vấn đề bảo hộ lao động và vệ sinh cá nhân người chế biến món ăn. Người tiếp xúc trực tiếp với thức ăn chín phải mặc quần áo bảo hộ, mũ chụp tóc, tháo bỏ nhẫn, vòng, cắt ngắn móng tay và tay luôn giữ sạch sẽ. Định kỳ phải được khám sức khỏe, nếu mắc các bệnh truyền nhiễm thì không được tham gia chế biến các món ăn.
6. Kiểm soát quá trình phục vụ du khách. tất cả các dụng cụ chứa đựng món ăn, dụng cụ dùng để ăn uống, bàn, ghế và phòng ăn phải được vệ sinh sạch sẽ. Nhân viên phục vụ cũng phải được tập huấn và đào tạo về vệ sinh an toàn thực phẩm, phải được khám sức khỏe định kỳ
Nơi bày thực phẩm, thức ăn để khách tự chọn phải bảo đảm vệ sinh; thực phẩm, thức ăn chín phải bày trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm
7. Kiểm soát rác thải. các nhà hàng phải có đủ dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải; dụng cụ chứa đựng chất thải phải kín, có nắp đậy và được thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày; nước thải được thu gom trong hệ thống kín, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề rất quan trọng đối với quá trình phát triển du lịch bền vững. Nó góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Vĩnh Phúc đến du khách, bạn bè các vùng lân cận cũng như thế giới, đồng thời có tác dụng bảo vệ sức khỏe của du khách và thu hút du khách đến với tỉnh nhà. Vì vậy, hy vọng rằng các cơ quan quản lý sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở dịch vụ ăn uống; các chủ nhà hàng khách sạn sẽ tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc, quy định VSATP; và người dân, du khách cũng luôn có ý thức giữ vệ sinh chung và trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về ATTP.
Ánh Nguyệt