Vĩnh Phúc: Sông Lô khai thác tiềm năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, những năm qua, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) tập trung khai thác các tiềm năng, huy động mọi nguồn lực đầu tư, nhằm tạo sự đột phá, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Trải dọc theo bờ sông Lô hùng vĩ với nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, huyện Sông Lô được “ưu ái” diện mạo tự nhiên với nhiều danh lam thắng cảnh như: Khu núi Sáng; hang Đề Thám, thác Bay, hồ Bò Lạc (xã Đồng Quế); hồ Điển Triệt (xã Tứ Yên); hồ Suối Sải (xã Lãng Công); hồ Ngọc Đá (xã Yên Thạch)… Đây là cơ sở để địa phương phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.

Tháp Bình Sơn ở thị trấn Tam Sơn (Sông Lô) – Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, được xác định là điểm du lịch trọng điểm trong quy hoạch phát triển du lịch huyện Sông Lô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: Nguyễn Lượng

Các di tích lịch sử, đình, chùa đều có giá trị đặc sắc về mặt nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc. Tiêu biểu có tháp Bình Sơn (thị trấn Tam Sơn), được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt vào năm 2015 với những nét kiến trúc tiêu biểu, mang dấu ấn của nghệ thuật dân tộc thời Lý – Trần. Chùa – tháp cổ Kim Tôn – Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức ở xã Đồng Quế được coi là công trình hội tụ nhiều nét tinh hoa của đạo Phật nói chung, của dòng thiền Trúc lâm Yên Tử nói riêng.

Nhiều đình, đền cổ thờ các vị Thánh, vị Vua có công lao to lớn trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, đem đến những giá trị văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người dân bản địa, trở thành địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn đối với du khách khi đến với huyện Sông Lô.

Tháp Bình Sơn ở thị trấn Tam Sơn (Sông Lô) – Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, được xác định là điểm du lịch trọng điểm trong quy hoạch phát triển du lịch huyện Sông Lô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: Nguyễn Lượng

Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng có nhiều lễ hội truyền thống mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc, gắn liền với các di tích lịch sử, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham dự mỗi năm, như: Lễ hội chọi trâu ở xã Hải Lựu; lễ hội rước cây Bông ở xã Đồng Thịnh; lễ hội xuống đồng, hát Sình ca ở xã Quang Yên; lễ hội Tết nhảy, lễ cấp sắc, lễ chạp làng ở xã Lãng Công; lễ hội bơi chải ở xã Tứ Yên; lễ hội cầu đinh ở xã Đức Bác gắn với làn điệu hát trống quân đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Các làng nghề truyền thống (mây tre đan Cao Phong; đá mỹ nghệ Hải Lựu; làng nghề rắn Bạch Lưu; làng nghề hoa cây cảnh Đức Bác; làng nghề mộc Cao Phong…), góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay huyện Sông Lô vẫn chưa hình thành cụ thể sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, phát huy tốt thế mạnh về tài nguyên du lịch nhân văn và du lịch tự nhiên.

Các sản phẩm du lịch của huyện mới chỉ dừng lại ở du lịch tâm linh, du lịch tín ngưỡng kết hợp thăm quan các di tích lịch sử, di tích văn hóa và du lịch lễ hội.

Khách du lịch đến với huyện Sông Lô chủ yếu dừng lại ở việc thực hiện các nghi thức tâm linh, thăm quan một số điểm du lịch hoặc tham dự một số lễ hội tiêu biểu.

Trên địa bàn huyện vẫn chưa hình thành được chuỗi khách sạn, nhà nghỉ quy mô lớn nằm tại trung tâm huyện hay tại các điểm du lịch để thu hút khách (hiện chỉ có khoảng 15 nhà nghỉ với khoảng 90 phòng nghỉ phục vụ khách du lịch).

Hệ thống nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống còn hạn chế về số lượng và quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ cho người dân.

Xác định rõ vai trò của du lịch, dịch vụ và thương mại trong cơ cấu kinh tế địa phương, huyện Sông Lô đã và đang hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, tập trung các điều kiện cần và đủ để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hiệu quả của huyện.

Đề án phát triển du lịch huyện Sông Lô, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra các mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện đón 15 nghìn lượt khách/năm; tổng thu từ du lịch đến năm 2025 đạt khoảng 40 tỷ đồng…

Để đạt được những mục tiêu này, trên cơ sở các quy hoạch của tỉnh về phát triển du lịch, huyện Sông Lô tập trung thực hiện quy hoạch chi tiết, phát triển một số điểm, khu du lịch trọng điểm, các tuyến du lịch tiềm năng.

Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch chính, như: Du lịch tìm hiểu lịch sử, văn hóa, tâm linh; du lịch vui chơi giải trí, sinh thái, nghỉ dưỡng; các sản phẩm du lịch bổ trợ (thăm quan làng nghề; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch thể thao, leo núi; du lịch hội nghị, hội thảo…).

Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giao thông thông qua việc quy hoạch và cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, tạo thuận lợi cho giao thương và kết nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh, kết nối các trung tâm, khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện.

Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư vào các dự án phát triển du lịch của huyện. Bố trí ngân sách xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch.

Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch, trong đó khuyến khích đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn, duy tu, tôn tạo và khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch nhân văn, du lịch tự nhiên sẵn có của địa phương. Tích cực triển khai các dự án bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mang lại nguồn thu lớn cho địa phương, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Việt Sơn

Báo Vĩnh Phúc

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *